Bức xúc nhu cầu việc làm
Mặc dù là thành phố loại 3, nhưng hiện nay Tp. Phan Rang-Tháp Chàm còn có khoảng 20% người dân sống dựa vào nông nghiệp. Trên tiến trình đô thị hóa, một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật… Không có đất sản xuất, nhiều người dân rơi vào cảnh không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Đơn cử như phường Mỹ Bình có trên 70% người dân sống bằng nghề nông, chủ yếu trồng hoa cúc và các loại hoa màu. Từ khi bị thu hồi đất sản xuất để Nhà nước thực hiện Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc K1, nhiều người dân không có công ăn việc làm, phải đi làm thuê để kiếm sống. Chị Trần Thị Ngọc Phường, ở khu phố 1, phường Mỹ Bình cho biết: Sau khi lập gia đình, vợ chồng được cha mẹ cho 2 sào đất chăn nuôi, trồng trọt. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng từ khi bị thu hồi đất, hơn 2 năm nay, vợ chồng tôi phải đi tỉa bông cúc, chặt dừa thuê, việc làm không ổn định, thu nhập lại thấp.
Nhiều phụ nữ phường Mỹ Bình chọn nghề tỉa, nhổ bông cúc thuê để kiếm sống.
Không chỉ phường Mỹ Bình mà ở các địa phương khác cũng rất bức xúc về việc làm. Đặc biệt là đối với các phường ven biển như Đông Hải, Mỹ Hải. Hay như đối với phường Kinh Dinh, mặc dù là địa phương phát triển mạnh về thương mại- dịch vụ, nhưng theo thống kê, toàn phường hiện có khoảng 50 lao động không có việc làm. Nhiều lao động tuy có việc làm nhưng không ổn định, chủ yếu đi làm thuê, làm phụ hồ hoặc chỉ ở nhà làm nội trợ…
Người dân chưa mặn tham gia đào tạo nghề
Để giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, thời gian qua, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tích cực triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Đào tạo nghề lao động nông thôn”, tuy nhiên việc vận động người dân tham gia các lớp đào tạo nghề lại hết sức khó khăn. Theo chỉ tiêu, năm 2013, thành phố tổ chức đào tạo cho 300 lao động. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay chỉ mới tổ chức được 5 lớp với 175 học viên, trong đó có 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi heo, gà, trồng nấm rơm và 1 lớp nghề may công nghiệp. Ông Lê Chí Hiền, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố cho biết: Để nâng cao hiệu quả đề án, Phòng đã chủ động liên hệ một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu nhu cầu lao động, sau đó phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tư vấn, vận động tham gia học nghề. Tuy nhiên, số lượng người đến để được tư vấn và đăng ký đào tạo rất ít, không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như điều kiện mở lớp đào tạo. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân có tư tưởng ngại đi làm ăn xa, hoặc đối tượng tham gia không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… Kết quả là trong khi người dân thiếu việc làm, doanh nghiệp có nhu cầu nhưng lại không tuyển dụng được lao động. Điển hình như Công ty TNHH Lê Thành đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 lao động làm nhân viên phục vụ bàn, lễ tân… chuẩn bị nhân sự để đưa một khách sạn đi vào hoạt động cuối năm nay. Nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã phối hợp với các địa phương thông báo cho người dân về nhu cầu tuyển dụng, tổ chức tư vấn nghề, vận động những đối tượng có đủ điều kiện tham gia lớp đào tạo, nhưng đến nay cũng chỉ có khoảng 10 người đăng ký tham gia.
Hay như tại phường Kinh Dinh, nhằm giúp chị em có thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, Hội Phụ nữ phường phối hợp với một số cá nhân nhận hàng của các công ty may mặc xuất khẩu ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn, giao cho chị em ở địa phương gia công các công đoạn thêu tay, đính cườm. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp một số chị em tăng thu nhập, trung bình khoảng 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, đến nay toàn phường cũng chỉ thu hút khoảng 30 chị tham gia. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Nguồn hàng do các công ty đưa về để gia công rất ổn định, dồi dào, thậm chí có nhiều lúc hàng quá nhiều, không đủ nhân lực để gia công. Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi để tạo việc làm cho nhiều chị em, chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức vận động chị em tham gia học nghề, tuy nhiên hầu hết đều từ chối với nhiều lý do như bận rộn công việc gia đình, không có năng khiếu… nên đến nay địa phương vẫn chưa tổ chức được lớp đào tạo nghề nào.
Không chỉ người dân chưa mặn tham gia đào tạo nghề, nhiều học viên sau khi được đào tạo lại không ứng dụng kiến thức được học vào sản xuất. Điển hình như từ năm 2010, thành phố đã tổ chức đào tạo hàng trăm học viên kỹ thuật trồng nấm rơm, nhưng do không tìm được “đầu ra”, nguyên liệu sản xuất khó khăn nên vẫn chưa có học viên nào tổ chức trồng nấm, làm lãng phí thời gian, chi phí và công sức đào tạo.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, ngoài việc tích cực điều tra, khảo sát, lựa chọn các nghề đào tạo phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu của người dân, điều quan trọng hơn cả là các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cơ hội tìm việc làm, thay đổi tư duy về sản xuất, cách làm kinh tế…Có như vậy mới thực sự giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Uyên Thu