Giáo dục cần tạo ra “giá trị thực” cho mỗi cá nhân

Nâng cao chất lượng giáo dục sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS Phạm Minh Hạc (ảnh) đã trao đổi với Tin Tức về vấn đề này.

Giáo dục đại học được xác định là trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là một trong ba khâu đột phá của chiến lược giáo dục 2011 - 2020. GS nghĩ sao về chuyện hàng nghìn cử nhân ra trường phải đi làm công nhân?

Một trong ba khâu đột phá của chiến lược giáo dục 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội XI là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao là sản phẩm trực tiếp của giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục đại học lại đang bộc lộ nhiều vấn đề hơn cả. Có thể kể ra đây như: Vấn đề trường công lập - trường tư thục; tuyển sinh đầu vào đại học, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu; sự ra đời quá nhanh, quá nhiều của các trường đại học; giảng viên không đủ trình độ; thương mại hóa giáo dục…

Chất lượng giáo dục đại học không phản ánh ở việc mỗi năm có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp, điểm số như thế nào, mà thể hiện ở việc các cử nhân gia nhập vào thị trường lao động có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không? Cử nhân làm công nhân là một sự lãng phí, lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước, lãng phí tiền bạc của gia đình và lãng phí công sức của chính người học. Đây thực sự là điều đáng buồn. 

Theo GS, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí này?

Tâm lý dạy - học chỉ để đi thi, quản lý nhà nước về giáo dục cũng chạy theo tâm lý đó là nguyên nhân đầu tiên. Việc dạy và học chỉ nhằm mục đích đi thi là một hiểm họa của nền giáo dục.

Chủ trương phân luồng để học sinh vào các trường dạy nghề chưa được thực hiện hiệu quả. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN. 

Thứ hai là vấn đề hướng nghiệp không đi vào thực tế giáo dục. Chủ trương phân luồng giáo dục được nêu ra trong Nghị quyết giáo dục của Hội nghị Trung ương 2, tháng 12/1996, triển khai chưa hiệu quả. 17 năm thực hiện phân luồng giáo dục thì đến năm học 2011- 2012 duy nhất có tỉnh Vĩnh Phúc là thực hiện phân luồng, khuyến khích học sinh học xong THCS vào các trường nghề có trợ cấp. 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học, chúng ta cần có một cơ chế kiểm tra, đánh giá mới như thế nào, thưa GS?

Đi học là phải kiểm tra, đánh giá và thi cử. Đó là nguyên tắc bắt buộc của giáo dục. Ở bất cứ thời đại nào, nguyên tắc này cũng bất di bất dịch. Vấn đề ở đây là kiểm tra như thế nào, đánh giá như thế nào, thi cử tổ chức ra sao và tất cả nhằm mục đích gì? Kiểm tra phải thường xuyên, đánh giá thi cử phải nghiêm túc. Làm cái gì có thể vội được, nhưng làm giáo dục thì không thể vội vàng và cẩu thả được. Từng bước đi của giáo dục đều phải rất cẩn thận, chắc chắn, an toàn. 

Xin GS cho biết những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nền giáo dục?

Trước hết phải khắc phục tâm lý học để đi thi. Quản lý nhà nước với giáo dục cũng đừng chạy theo tâm lý đó nữa. Chương trình học và SGK mới phải nhằm mục đích phục vụ những cái gì xã hội đang cần. Nền giáo dục phải tạo ra giá trị bản thân cho từng cá nhân và cộng đồng (giá trị thực bao gồm tâm lực - trí lực - thể lực).

Giáo dục phổ thông đang thừa cái không cần và thiếu cái cần. Cái thiếu của giáo dục phổ thông là thực hành, là kỹ năng sống. Chúng ta đang chú trọng dạy chữ nhiều hơn dạy người. SGK mới phải đổi mới theo hướng cái gì không cần thiết và quá tải với học sinh phải cắt bỏ, cái gì thiếu thì cần bổ sung và hỗ trợ nhiều hơn.

Năng lực người thầy trong xã hội hiện nay cũng cần xác định lại. Tỷ lệ GS, PGS, TS, Ths tại các trường ĐH - CĐ hiện nay còn rất thấp. Tài liệu giảng dạy ở bậc đại học cũng có nhiều vấn đề. Giáo trình, tài liệu phục vụ rất ít.

Vấn đề quan trọng then chốt là người học. Không có một phương pháp nào đem lại hiệu quả thực sự nếu người học không chủ động và thực học. Và để thúc đẩy quá trình thực học ấy lên đến đỉnh cao cách duy nhất là siết chặt kiểm tra, thi cử, đánh giá chất lượng trong quá trình học tập…

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN