Bắt đầu từ thầy, cô giáo
Ở Việt Nam, qua hàng ngàn năm cha ông ta đã tổng kết: “Thầy nào, trò nấy”. Từ xa xưa các bậc cha mẹ tìm thầy dạy cho con hết sức kỹ lưỡng, đòi hỏi “thầy đồ” phải có nhân cách, có văn hay chữ tốt, có tấm lòng, biết lấy sự thành đạt của học trò làm vinh dự nghề nghiệp của mình...
Ảnh: VGP/Đỗ Cường
Sau Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhân dân ta đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. Đảng và Chính phủ đã tập trung đào tạo những người thầy, cô giáo giỏi, thông qua các trường sư phạm trong nước và cử đi học ở nước ngoài.
Vào thời điểm đó các trường sư phạm mặc dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện, tài liệu giảng dạy, học hành trong điều kiện chiến tranh, song các trường sư phạm đã sản sinh ra những thầy giáo, cô giáo “vừa hồng vừa chuyên”, có phẩm chất và năng lực, luôn luôn tìm tòi, học tập, không ngừng nâng cao trình độ, say sưa với nghề, tận tâm dạy để truyền thụ kiến thức khoa học và lòng yêu Tổ quốc, yêu dân tộc cho hàng vạn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, hàng triệu học sinh các trường phổ thông ở miền Bắc và vùng giải phóng ở miền Nam.
Hầu hết các học sinh đã trở thành những cán bộ tốt, phục vụ cho chiến trường và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong số đó có nhiều người trở thành anh hùng quân đội, anh hùng lao động, những tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng…
Tuy nhiên hơn 30 năm trở lại đây, ngành giáo dục và đào tạo cũng chịu những tác động, những mặt trái của cơ chế thị trường, làm ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục-đào tạo và thầy, cô giáo.
Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình đã đưa ra một thực trạng: “Tiến hành khảo sát 950 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở 36 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại 5 tỉnh thành cho thấy gần 60% giáo viên phổ thông thẳng thắn bày tỏ nếu được chọn lại nghề thì sẽ không làm nghề dạy học”. Lý do là chưa có cơ chế và chính sách khuyến khích trong thi cử, tuyển dụng, đãi ngộ… Một số bộ phận giáo viên lại sa sút về phẩm chất, sử dụng kiến thức vào phụ đạo, dạy thêm để tăng thu nhập, làm ảnh hưởng đến năng lực và đạo đức của những người làm công tác quản lý giáo dục và thầy, cô giáo.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn của ngành giáo dục là thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ thầy cô giáo cả về số lượng và chất lượng, phát triển không theo kịp với yêu cầu tăng lên hằng năm của học sinh. Thêm vào đó chương trình và sách giáo khoa còn nhiều bất cập, học chưa gắn với hành, dạy chữ chưa gắn với dạy người…
Từ thực tiễn trên, muốn đổi mới căn bản giáo dục, trước hết phải tập trung vào đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, đổi mới sách giáo khoa của hệ thống giáo dục phổ thông, xem đó là nhiệm vụ đầu tiên để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáu vấn đề cần đổi mới
Để khắc phục các tồn tại trên, ngành Giáo dục đào tạo cần sớm giải quyết những vấn đề sau:
Một là, đổi mới hệ thống các trường sư phạm trong cả nước, tập trung đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng sư phạm trọng điểm bao gồm quy hoạch lại mạng lưới hợp lý, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên giỏi, đây chính là nơi đào tạo nguồn giáo viên vừa hồng vừa chuyên cung cấp cho hệ giáo dục phổ thông trong cả nước.
Hai là, có cơ chế chính sách trong việc tuyển chọn học sinh giỏi vào học ở các trường sư phạm và chính sách sử dụng đãi ngộ sau khi tốt nghiệp ra trường để họ an tâm công tác, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ “trồng người” ở các vùng Tổ quốc. Cụ thể là có chính sách lương bổng, điều kiện ăn ở làm việc, quy định thời gian công tác tại các tỉnh miền núi, hải đảo, các trường nội trú, bán trú… ở các địa phương khó khăn (tương tự như việc thực hiện nghĩa vụ quân sự), sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được quyền chọn lựa nơi công tác hợp với nguyện vọng của mình và được đào tạo lại để có trình độ và vị trí công tác cao hơn.
Ba là, thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương về năng lực và đạo đức để học sinh noi theo, đòi hỏi thầy cô giáo phải cập nhật kiến thức để truyền đạt cho học sinh, tự rèn luyện về phẩm chất, luôn gương mẫu và tâm huyết với nghề nghiệp. Đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở, mỗi ngày học sinh có đến 10 giờ ở trường, vì vậy thầy cô giáo phải là biểu tượng để học sinh noi theo.
Bốn là, đổi mới chương trình cấp học phổ thông. Chương trình cấp học phổ thông nên tiếp tục vẫn giữ là 12 năm với điều kiện thực hiện bốn dạy: “Dạy chữ”, “Dạy người”, “Dạy nghề”, “Dạy ngoại ngữ”. Có như vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em có được một nghề để bước vào cuộc sống tự lập; đối với các em vào đại học, có thể nghe thầy giảng bài một số môn học bằng tiếng Anh. Làm được điều đó chắc chắn ngành giáo dục nước ta sẽ hội nhập với khu vực và thế giới, đồng thời các em có chỗ đứng vững chắc trong xã hội để tiếp tục vươn lên.
Về thi cử, trên nguyên tắc có học là phải có thi. Bằng tốt nghiệp của học sinh được xem như là “Giấy chứng chỉ” sau 12 năm đèn sách để bước vào đời… Điều quan trọng là tổ chức thi tốt nghiệp vào thời điểm nào và cách thức tiến hành ra sao cho đừng quá tốn kém mà đánh giá được trình độ thực chất của học sinh.
Năm là, phải nhận thức sâu sắc và xác định rõ mối quan hệ hữu cơ về đào tạo con người từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành gắn liền giữa gia đình, nhà trường và xã hội, bắt đầu từ giáo dục mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông, học nghề, cao đẳng, đại học… xem đây là một hệ thống gắn bó với nhau trong dây chuyền đào tạo. Xuất phát từ nhận thức trên, cần xem xét lại việc soạn thảo sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy phải thực sự gắn kết giữa học chữ, học làm người, học nghề, học ngoại ngữ cho phù hợp với từng cấp học.
Sáu là, song song với việc xã hội hóa trong giáo dục-đào tạo, cần chú ý đến các vùng có tính chất đặc thù như miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng ven biển, hải đảo và những địa phương kinh tế còn khó khăn. Nhà nước, Trung ương và địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất để phát triển các trường nội trú, bán trú tương tự các mô hình “Trường học sinh miền Nam”, “Trường bổ túc công nông”, “Trường bổ túc văn hóa” của thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước. Có như vậy mới đáp ứng nhanh nguồn nhân lực phục vụ tại chỗ, kịp thời cho xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Đồng thời khuyến khích các tỉnh thành xây dựng mô hình “trường chuyên”, “trường chất lượng cao” để bồi dưỡng nhân tài, hiền tài cho đất nước, đào tạo đội ngũ cán bộ để tham gia hội nhập vào khu vực và thế giới.
Trong những năm qua, ngành giáo dục đào tạo đã có nhiều tiến bộ trông thấy: Mở rộng mạng lưới trường lớp, phổ cập giáo dục các cấp, xóa nạn mù chữ, tổ chức được các đội tuyển học sinh giỏi tham dự kỳ thi ở khu vực và quốc tế… bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân. Tuy vậy những chủ trương và giải pháp trong giáo dục-đào tạo vẫn còn mang tính tình thế. Chúng ta hi vọng những năm tới, ngành giáo dục sẽ có bước tiến mới trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa; có nhiều đổi mới trong quản lý giáo dục và nâng cao năng lực đạo đức của thầy cô giáo để có được những người “thầy ra thầy, trò ra trò” đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập với thế giới.
Nguồn Chinhphu.vn