Triều Tiên - Hàn Quốc bàn cách khôi phục đường dây nóng và khu công nghiệp Kaesong

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sáng 5-9, tại Trung tâm hỗ trợ Kaesong (Kê-xâng) ở thị trấn cùng tên, gần biên giới liên Triều, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành cuộc cấp tiểu ban về các điều chỉnh liên quan tới thông tin liên lạc và cách tiếp cận khu công nghiệp chung Kaesong.

Tại cuộc họp, Triều Tiên dự kiến nêu vấn đề khôi phục đường dây nóng quân sự trên bờ biển phía Tây, vốn đã bị cắt hồi đầu năm nay trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Phía Seoul cũng cho rằng tuyến thông tin liên lạc này là quan trọng và cần được đưa vào sử dụng trở lại, nếu tiến trình bình thường hóa khu công nghiệp Kaesong đạt được tiến bộ.

Các vấn đề thông tin liên lạc như sử dụng điện thoại di động và truy cập Internet cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán. Bình Nhưỡng tỏ ra miễn cưỡng trong việc cho phép các nhà quản lý Hàn Quốc mang theo điện thoại di động của họ qua biên giới hoặc cho phép sử dụng miễn phí Internet.

Ngoài ra, Hàn Quốc dự kiến kêu gọi Triều Tiên tạo điều kiện dễ dàng hơn cho lao động Hàn Quốc đến khu công nghiệp Kaesong và xem xét lại quy định kiểm tra hải quan. Hiện nay, các doanh nhân Hàn Quốc đi qua khu phi quân sự phải mất nhiều giờ do các quy định chặt chẽ của Bình Nhưỡng. Việc hải quan Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển các nguyên vật liệu cũng đã gây những khiếu nại.

Trước đó, ngày 4-9, Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã tiến hành cuộc họp song phương giữa hai tiểu ban phụ trách công tác bảo vệ tài sản, cạnh tranh quốc tế của khu công nghiệp chung Kaesong. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết kết quả đạt được tại các cuộc đàm phán cấp tiểu ban sẽ được chuyển đến cuộc họp thứ hai của Ủy ban quản lý chung Khu công nghiệp Kaesong diễn ra vào ngày 10-9 tới. Cho tới nay, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí trên nguyên tắc về việc nối lại các hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong. Tuy nhiên, hai bên chưa thống nhất về thời điểm mở lại và cách thức quản lý khu công nghiệp chung này.

Theo TTXVN