Người bán, người mua đều lo
Đã 10 giờ sáng, nhưng điểm bán bún của chị Trần Thị Huệ tại chợ Phan Rang vẫn còn rất nhiều hàng, thỉnh thoảng mới có một vài thực khách ghé mua. Nếu như trước đây, mỗi buổi sáng bán từ 50-70kg bún thì bây giờ, số lượng bán ra không những đã giảm đến 50% mà còn phải bán từ sáng tới chiều mới hết. Chị Huệ cho biết, từ khi có thông tin bún có hóa chất độc hại, buôn bán rất ế ẩm, hàng tiêu thụ chậm. Giống như chị Huệ, các điểm bán bún ở các chợ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Người bán buồn vì hàng bán không “chạy”, còn người mua thì e ngại vì sợ bún có hóa chất. Theo như những người bán bún cho hay thì hiện nay, khách hàng khi đến mua bún đều cảnh giác hơn, quan sát bún kỹ hơn và thường dùng tay chạm vào sợi bún trước khi mua hàng. Bên cạnh đó, đa số người tiêu dùng tìm đến những điểm bán bún quen để mua thay vì mua bất cứ đâu như trước đây.
Không chỉ có người tiêu dùng mà ngay cả người sản xuất cũng lo lắng. Chúng tôi đã đến một số cơ sở sản xuất lớn là đầu mối cung cấp bún trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm để tìm hiểu. Lò bún Hạnh (phường Phủ Hà), là điểm thường xuyên cung cấp bún cho khoảng 30 bạn hàng. Khi các phương tiện truyền thông đưa tin bún nhiễm hóa chất, năng suất sản xuất ở đây giảm đáng kể, từ 2.000 kg xuống còn 1.200 kg bún mỗi ngày. Chị Trần Thị Hạnh, chủ lò bún khẳng định: Bún ở đây chỉ làm từ gạo, không hề bỏ bất kỳ hóa chất nào. Từ trước đến nay, cơ sở luôn chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, rất mong ngành chức năng tiến hành kiểm tra, công bố kết quả để chúng tôi có thể tiếp tục sản xuất ổn định.
Giải tỏa mối lo
Trước những lo lắng của người dân, từ ngày 13 đến 15-8, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh do Sở Y tế dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra 8 cơ sở sản xuất bún trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, lấy 8 mẫu bún tươi gửi Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, trong 8 mẫu được lấy kiểm nghiệm thì có 1 mẫu nhiễm chất làm trắng quang học Tinopal. Đó là mẫu bún lấy từ cơ sở của ông Nguyễn Thanh Hùng (phường Đạo Long, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).
Qua tìm hiểu, việc có cơ sở vi phạm về sử dụng chất làm trắng trong sản xuất bún là do họ được một số người ở địa phương khác gọi điện chào mời, vì nhận thức còn hạn chế, không biết đó là chất cấm nên đã dùng thử. Hiện đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này. Chủ cơ sở cũng đã cam kết chấp hành nghiêm những quy định về VSATTP.
Chị Mai Thị Phương Ngọc, Chi cục Trưởng Chi cục VSATTP cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất bún, tập trung chủ yếu ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Các cơ sở bún trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất theo quy trình truyền thống nên đa số họ không có tư tưởng sử dụng hóa chất, phụ gia như những cơ sở sản xuất công nghiệp ở các thành phố lớn.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện trên địa bàn có bán hóa chất, phụ gia thực phẩm độc hại sẽ xử lý triệt để. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn việc sử dụng phụ gia trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kể cả những cơ sở vi phạm pháp luật về VSATTP… để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Như vậy, người dân đã có thể yên tâm quay trở lại với những món ăn phổ biến này. Còn người sản xuất, buôn bán thực phẩm cần tiếp tục khẳng định uy tín với người tiêu dùng bằng chính sản phẩm “sạch” thực sự của mình.
Lan Phương