Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Tỉnh ủy Hậu Giang. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN).
Sáng 27/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn công tác của Trung ương đã dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Tỉnh ủy Hậu Giang.
Hậu Giang là một tỉnh mới thành lập, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn thấp kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (trên 23% thời điểm thành lập tỉnh 2004). Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), sau 5 năm tập trung khai thác lợi thế về lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái, giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp năm 2012 của tỉnh đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 18,66% so với năm 2008), ước năm 2013 tăng 23,9% so với năm 2008. Năm 2013, ước thu nhập trên địa bàn tỉnh đạt 21,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với 2008. Trong đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt từ 8,9 triệu đồng/người (năm 2008) lên 19,48 triệu đồng/người (năm 2013), tăng 2,2 lần. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 14,51%.
Hậu Giang đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất; tiến hành xây dựng một số chuỗi các giá trị sản phẩm có thế mạnh như: Lúa gạo, chanh không hạt, mía… Riêng cây mía Hậu Giang giữ vị trí chi phối tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; cá thát lát của Hậu Giang vẫn là vị trí số 1 cả nước. Nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, đạt chất lượng, hiệu quả, một số mặt hàng nông sản bước đầu hình thành mối liên kết bốn nhà; tỷ lệ cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất nông nghiệp tăng khá, đời sống văn hóa, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Mặc dù nỗ lực tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, song so với yêu cầu đề ra, Hậu Giang còn nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch vẫn ở mức chậm, công tác quy hoạch sản xuất một số chủng loại hàng nông sản còn lúng túng, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chất lượng thấp; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn mặc dù tập trung nhưng xuất phát điểm còn quá thấp do đó chưa đảm bảo tính đồng bộ để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân nông thôn mới.
Đáng chú ý, năng lực phòng, tránh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh của nông dân còn hạn chế, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống.
Từ kết quả 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy Hậu Giang nhận định, với điều kiện khó khăn như hiện nay, đến năm 2015, tỉnh khó đạt 20% số xã nông thôn mới (19/19 tiêu chí). Tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp với đặc thù vùng, miền. Hậu Giang cũng đề nghị Trung ương quan tâm, chỉ đạo sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với cơ chế, chính sách đặc biệt tạo sức bật và điểm nhấn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Tham gia đóng góp ý kiến với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong triển khai chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đại diện các bộ, ngành trung ương đề nghị tỉnh cần nghiên cứu kỹ trong xác định các loại hình nông sản của tỉnh để tập trung đẩy mạnh sản xuất.
Ghi nhận thành tựu ban đầu của tỉnh, nhất là trong xây dựng quy hoạch, xây dựng nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị Hậu Giang tập trung hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung với những sản phẩm chủ lực, cây nguyên liệu, cây ăn quả; xây dựng mô hình phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn sản xuất với kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường, tránh sản xuất thừa, gây thiệt hại về giá.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Hậu Giang đã làm tốt việc thực hiện và sơ kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), bước đầu xây dựng được bộ mặt nông thôn mới theo hướng hiện đại, đời sống người dân được cải thiện. Từ xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, bằng sự nỗ lực của chính quyền, quân và dân trên địa bàn, Hậu Giang đã từng bước đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới từ thành thị đến nông thôn, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền Hậu Giang tập trung rút kinh nghiệm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) với lộ trình 5 năm, 10 năm và những năm tiếp theo.
Lưu ý Hậu Giang linh hoạt trong áp dụng các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện chương trình tam nông, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, dân cư của địa bàn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) là không ngừng nâng cao đời sống người nông dân, đảm bảo sự phát triển bền vững của mũi nhọn kinh tế nông nghiệp quốc gia, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy các ngành kinh tế khác, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hậu Giang chú trọng rà soát cơ cấu sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng các chuỗi giá trị sản phẩm; nghiên cứu mô hình nông nghiệp liên kết; tránh triệt để việc sản xuất manh mún. Tổ chức sản xuất nông nghiệp phải căn cứ vào yếu tố thị trường để đảm bảo hiệu quả kinh tế; đi liền với đó là áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, kết nối khoa học công nghệ với doanh nghiệp và người nông dân.
Chỉ đạo Hậu Giang làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hậu Giang tập trung vào những tiêu chí thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho đời sống nhân dân địa phương, tránh tư tưởng cầu toàn trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo các Bộ: Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành sớm hình thành các sàn giao dịch lúa gạo, hàng nông sản để hỗ trợ công tác tiêu thụ sản phẩm trong nước. Tán thành việc xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hậu Giang, song Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần thiết lập cơ chế, quy chế hoạt động chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả trong thực tế.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam