Thông báo nhiều, phản hồi ít?
Theo Thông tư 38, sau khi lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm với các lỗi liên quan đến không có GPLX, hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với phương tiện đang điều khiển; sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp; cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ… lực lượng Công an phải ra thông báo vi phạm gửi về địa phương để quản lý, giáo dục. Công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo vi phạm có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là CB, CCVC, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục. Nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo; trường hợp người vi phạm không có địa chỉ cư trú, công tác, học tập như ghi trong thông báo vi phạm thì chuyển trả lại thông báo vi phạm đó cho nơi đã thông báo. Tuy nhiên trong thực tế tại nhiều địa phương, thông báo gửi đi rất nhiều, nhưng sự “phản hồi” rất ít.
Tăng cường sự phối hợp giữa công an các cấp để phát huy hiệu quả xử lý đối tượng vi phạm ATGT.
Theo số liệu của Đội Tuyên truyền, Điều tra, xử lý - Phòng CSGT Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã xử lý, gửi 792 thông báo vi phạm về các địa phương, trong đó có 576 trường hợp trong tỉnh và 216 trường hợp ngoài tỉnh, nhưng chỉ có 183 lượt phản hồi (chiếm 23%), trong đó ngoài tỉnh chỉ có 9 phản hồi (0,4%).
Đại tá Từ Văn Vĩnh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết: Mặc dù Phòng CSGT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt những nội dung theo Thông tư 38 tới tận các xã, huyện trên địa bàn tỉnh, song sau khi nhận được thông báo nhiều địa phương, đơn vị quản lý người vi phạm đã không làm các thủ tục phản hồi theo quy định.
Cần tăng cường sự phối hợp, xử lý
Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương, được biết khó khăn hiện nay của việc thực hiện Thông tư 38, đó là tình trạng người vi phạm về trật tự ATGT khi vi phạm thường đối phó bằng cách khai không đúng địa chỉ cư trú, hoặc trường hợp người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác, trong khi GPLX, đăng ký xe vẫn ghi theo địa chỉ cũ, nên thông báo vi phạm không đến được đúng địa chỉ người vi phạm. Không những vậy, thông báo vi phạm chỉ gửi tới công an địa phương mà không gửi cho UBND cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, việc phối hợp, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ở cơ sở cùng vào cuộc tuyên truyền, giáo dục người vi phạm trong phạm vi quản lý là không rõ ràng. Bên cạnh đó, công an xã, phường, thị trấn sẽ không thể kiểm soát được là tổ trưởng dân phố, trưởng thôn có tổ chức kiểm điểm, giáo dục đối với người vi phạm hay không. Ngoài ra, tổ dân phố không tổ chức họp thường xuyên, thường chỉ từ một đến hai lần trong năm, nên việc tổ chức kiểm điểm, giáo dục đối với người vi phạm rất hạn chế. Điều bất cập nữa là trong Thông tư 38 cũng không quy định cụ thể là nơi nhận được trong thời gian bao lâu phải hồi âm, trong khi đó hiệu lực để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính chỉ có 1 tháng…
Từ những bất cập nêu trên và để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông tư 38, Đại tá Từ Văn Vĩnh cho biết, bên cạnh chỉ đạo công an cấp xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm Thông tư 38, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục các đối tượng vi phạm. Mặt khác, để tăng hiệu quả của việc xử lý thông báo vi phạm giao thông, Phòng CSGT đã đề xuất Quy chế phối hợp trong việc xử lý đối tượng vi phạm, theo đó yêu cầu người vi phạm làm kiểm điểm, được địa phương xác nhận thì mới giải quyết các thủ tục vi phạm hành chính (cho lấy phương tiện ra và trả giấy tờ liên quan) để vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa tránh việc bỏ sót đối tượng.
Thiết nghĩ, việc gửi thông báo người vi phạm về địa phương để tiến hành kiểm điểm tại nơi cư trú, nơi làm việc, nơi học tập sẽ có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời tăng cường hiệu quả phối hợp bảo đảm trật tự ATGT, do đó các cơ quan, tổ chức, địa phương khi nhận được thông báo về người có hành vi vi phạm pháp luật TTATGT cần có biện pháp nhắc nhở, giáo dục người vi phạm và thông báo kết quả lại cho cơ quan Công an. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giữa các đơn vị có liên quan, phát huy hiệu quả công tác xử lý, giáo dục răn đe, ngăn ngừa vi phạm tái diễn. Có như vậy thì về việc thông báo người vi phạm về trật tự ATGT mới phát huy hiệu quả.
Ngũ Anh Tuấn