Vấn đề hôm nay:

Đừng làm khổ thêm người sản xuất!

(NTO) Câu chuyện về việc sử dụng các hóa chất độc hại, chất cấm… để sản xuất nhiều loại thực phẩm được hầu hết người tiêu dùng ưa thích như các loại bánh, bún… có nguyên liệu từ gạo đã gây lo lắng cho không ít người chưa dịu xuống thì gần đây người sản xuất nông nghiệp lại hoang mang về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, kể cả thuốc bảo vệ thực vật… tràn lan trên thị trường.

 
Nông dân xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) bón phân chăm sóc mía niên vụ 2013 - 2014. Ảnh: Sơn Ngọc

Không lo sao được khi hầu hết các loại cây trồng nông dân đều sử dụng phần lớn phân vô cơ để bón, trong đó chủ yếu là NPK và Kali. Giá cả các loại phân này không rẻ chút nào và tăng theo từng vụ sản xuất. Điều đáng nói là một khi đã mua trúng phân "dỏm" này thì thiệt hại khó lường, đó là cây trồng thiếu chất dinh dưỡng nên sinh trưởng kém, năng suất giảm, chất lượng nông sản kém… dẫn đến giá bán thấp trong khi đó chi phí cho “đầu vào” của cây trồng lại cao cho nên cầm chắc lỗ đậm. Khổ nỗi, khi gặp phải trường hợp này đa phần nông hộ chỉ cho là “mất mùa” để an ủi, bởi lẽ bằng cảm quan làm gì có thể nhận biết được đâu là thiệt, đâu là giả và đâu là cơ sở để khả dĩ buộc cơ sở bán phân “dỏm” bồi thường thiệt hại! Có chăng chỉ là lời động viên suông hoặc cùng lắm là cho hẹn nợ mùa sau trả để gọi là chia sẻ “rủi ro”… từ các cơ sở kinh doanh, còn lãi thật, lãi đậm từ việc bán phân “dỏm” này thì họ hưởng trọn. Vì như dân gian thường nói: chỉ có người bán mới biết chất lượng thật của hàng hóa mà thôi.

Vấn đề đặt ra, chẳng lẽ cứ để nông dân chịu thiệt trước “ma trận” hàng giả này sao? Theo chúng tôi, ngành chức năng liên quan, nhất là ngành nông nghiệp cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp để kịp thời phát hiện xử lý, đồng thời công bố công khai các cơ sở vi phạm trên báo chí, hệ thống truyền thanh địa phương… để người dân biết và tránh. Mặt khác, cần xác định trách nhiệm liên đới và cam kết bồi thường nếu qua thanh, kiểm tra phát hiện bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho nông dân. Không nên chỉ xử phạt theo kiểu “lấy có” rồi đâu lại vào đó, còn nông dân tiếp tục “sống chết mặc bay”!.

Đã đến lúc ngành chức năng cần quyết liệt vào cuộc, đừng “dửng dưng”, vô cảm trước thiệt hại của người sản xuất nông nghiệp, chẳng khác nào như câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm là của... người dân còn ngành chức năng lại... không thấy có động tĩnh gì?