KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH (23/8/1945-23/8/2013):

Nhớ lại trần đầu thắng lợi

(NTO) Cuối tháng 9-1945, quân Nhật quay trở lại Ninh Thuận, lực lượng gồm 4 Trung đội, chía ra đóng quân tại Tháp Chàm và Phan Rang, lấy lý do chờ quân đồng minh đến giải giáp nhưng thực chất là làm nội ứng tạo điều kiện cho quân Pháp trở lại đánh chiếm Ninh Thuận.

Ngày 1-10-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh nhận được nguồn tin của cơ sở ta báo cáo là sáng ngày 2-10-1945 sẽ có một toán lính Nhật, khoảng 1 Tiểu đội do một Thiếu úy chỉ huy hành quân bộ từ Tháp Chàm theo Quốc lộ 11 lên hướng Đà Lạt. Nhận được tin báo, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh giao cho Ban chỉ huy quân giải phóng nắm chắc tình hình địch, nhanh chống tổ chức tiến công tiêu diệt toán lính Nhật này, nhằm tiêu hao một bộ phận địch, thu vũ khí trang bị cho ta, đồng thời động viên, cổ vũ phong trào cách mạng của tỉnh.

 
Sơ đồ trận đánh.

Lực lượng tham gia trận này gồm 1 Tiểu đội Quân giải phóng 6 đồng chí, được trang bị 6 khẩu súng trường Pháp và 120 viên đạn, đồng thời phối hợp với 2 Tiểu đội Du kích địa phương, được trang bị súng săn, dao găm, giáo mác, ná và tên tẩm độc.

Chiều tối ngày 1-10-1945, Ban chỉ huy Quân giải phóng họp thống nhất kế hoạch và giao nhiệm vụ cho một đồng chí trong ban chỉ huy khẩn trương tổ chức lực lượng cơ động lên cầu Tân Mỹ, phối hợp với lực lượng du kích địa phương, phân công nhiệm vụ cho các bộ phận và hiệp đồng phương án đánh địch theo kế hoạch.

Đúng như nguồn tin ta nắm được, sáng sớm ngày 2-10-1945, toán quân Nhật gồm 13 lính được trang bị gươm, súng ngắn và súng trường, mỗi lính mang theo một ba lô quân trang và có thêm một túi đựng tài liệu, do một Thiếu úy chỉ huy, hành quân theo Quốc lộ 11 từ Tháp Chàm lên hướng Đà Lạt.

Đến khoảng 10 giờ, toán lính Nhật đến đầu cầu Tân Mỹ. Do trời nắng nóng, lại vừa đi một quãng đường xa, địch tranh nhau vào trú nắng trong nhà lợp tranh phía sau trạm kiểm soát. Bọn địch vội vàng đặt ba lô, giá súng rồi cử hai tên ở lại trông coi hành lý và vũ khí, tên Thiếu úy chỉ huy thấy chiếc võng ai mắc sẵn liền đến nằm, còn lại 10 tên khác kéo nhau xuống sông tắm rửa.

Thực hiện phương án đề ra, hai du kích đã được phân công lân la đến gần căn nhà lợp tranh đứng xem động tĩnh hai tên lính Nhật đang trông coi đồ đạt. Hai tên lính này không tỏ ý đề phòng. Liền sau đó đồng chí chỉ huy Tiểu đội quân giải phóng tiếp cận tên chỉ huy quân Nhật và tìm cách nói chuyện với tên này bằng hình thức viết trên giấy.

Thấy hai tên lính Nhật đang mải mê theo dõi cuộc nói chuyện, sau khi ra ám hiệu, hai du kích của ta bất ngờ xông đến khống chế hai tên này, một số chiến sĩ ẩn nấp bên đường đang theo dõi tình hình liền lao vào, dùng dao găm đâm chết hai tên lính Nhật. Do bị bất ngờ, tên sĩ quan chỉ huy vội vứt bút, lóng ngóng mở bao súng ngắn liền bị chiến sĩ của ta đang nấp bên cạnh trạm kiểm soát bắn một phát súng săn vào mặt, ngã ra chết. Các chiến sĩ du kích liền thu tất cả súng đạn, ba lô, tài liệu của địch. Trong khi đó, bộ phận thứ hai phát hiện thấy số lính Nhật xuống sông tắm không mang theo vũ khí, liền bí mật vận động xuống phía bờ sông nơi chúng đang tắm. Số lính Nhật này nghe có tiếng súng nổ, không kịp mặc quần áo, vội chạy lên bờ bị ta bắn hạ 7 tên, 3 tên còn lại chạy tán loạn tìm chỗ trốn trong các lùm bụi dọc bờ sông.

Quyết tâm không cho địch chạy thoát, chiều tối ngày 2-10-1945, toàn bộ Tiểu đội quân giải phóng và Du kích tiếp tục truy lùng, giết thêm hai tên, còn lại 1 tên lợi dụng địa hình theo bờ sông trốn thoát.

Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt 12 tên lính Nhật, trong đó có 1 tên Thiếu úy chỉ huy, thu 7 súng trường, 1 súng ngắn, 1 gươm, một số đạn dược, tài liệu và ba lô quân trang của địch. Phía ta không bị tổn thất. Trận đánh thắng lợi đã thực hiện đúng chủ trương của trên, đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm cho bọn Nhật đóng quân trên địa bàn Phan Rang - Tháp Chàm hoang mang lo sợ, đồng thời răn đe ý đồ trở lại xâm chiếm Ninh Thuận của quân Pháp. Kết quả trận đánh cho thấy việc nắm địch là yếu tố rất quan trọng để cho ta đề ra chủ trương, phương án đánh địch, đồng thời biết chọn địa hình và cách đánh phù hợp.

Đây là trận chiến đấu đầu tiên giành thắng lợi của lực lượng Quân giải phóng tỉnh Ninh Thuận, có tác dụng động viên rất lớn tinh thần đấu tranh cách mạng của LLVT và nhân dân trong tỉnh./.