Hướng tới mục tiêu môi trường "xanh - sạch - đẹp"

(NTO) Theo thống kê đến nay tỷ lệ cây xanh tại Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đạt bình quân 4m2/người, còn các thị trấn đạt 1m2/người. Về hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đến nay có 116/117 (đạt 97%) thôn, khu phố của Tp. Phan Rang– Tháp Chàm và 29/33 (đạt 88%) thôn, khu phố của các thị trấn ở các huyện có tổ chức thu gom rác thải.

Tuy nhiên so với quy định về phân loại đô thị của Chính phủ thì hiện tỷ lệ cây xanh đô thị và vườn hoa ở tỉnh ta đạt còn rất thấp. Cụ thể như Tp.Phan Rang – Tháp Chàm có 131 tuyến đường nhưng mới chỉ có khoảng trên 60 tuyến được trồng cây xanh; còn về công viên, vườn hoa các loại, hiện toàn thành phố cũng mới chỉ có 11 công viên, 15 tiểu đảo và 3 tuyến đường có dải phân cách đang được quản lý chăm sóc thường xuyên.

 Công nhân Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư phát triển Việt Ninh chăm sóc cây xanh
trên đường 16 Tháng 4, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.Ảnh: Thanh Long

Đồng chí Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền về công tác quản lý và bảo vệ môi trường còn chưa toàn diện, nên chưa huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển cây xanh đô thị còn thiếu sự gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng và phát triển sản xuất, dẫn đến tình trạng cây xanh đường phố phát triển tự phát, pha tạp nhiều chủng loại, không phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù của địa phương, nên khả năng phát triển chậm, thiếu tính thẩm mỹ. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa đó là nguồn vốn đầu tư cho việc phát triển cây xanh, vườn hoa, vệ sinh môi trường hiện đang còn thấp so với yêu cầu; việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về môi trường còn chưa thường xuyên và thiếu kiên quyết.

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án "Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh – sạch – đẹp". Trong đó, trọng tâm của "xanh" là tăng cường trồng cây, "sạch" là đẩy mạnh việc thu gom rác thải và "đẹp" là tăng cường xây dựng công viên, vườn hoa, cây cảnh và cao hơn là việc thể hiện lối sống, cách ứng xử đẹp của con người Ninh Thuận.

Công nhân Công ty TNHH DV-TM Nam Phong chăm sóc cây xanh
tại công viên Chung cư C5.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2015, tại Tp. Phan Rang – Tháp Chàm diện tích đất cây xanh đô thị đạt 7m2/người và đến năm 2020 đạt 10m2/người; diện tích vườn hoa đến năm 2015 đạt 1,6m2/người và đến năm 2020 đạt 2,5m2/người. Tại các thị trấn và trung tâm huyện lỵ, đến năm 2015 diện tích đất cây xanh đạt 3m2/người và đến năm 2020 đạt 5m2/người. Tại các khu du lịch và điểm tham quan, đến năm 2015 tỷ lệ trồng cây xanh đạt 25%.

Căn cứ vào tính chất và yêu cầu của Đề án, trước mắt, trong giai đoạn 2013 – 2015, dự kiến tại địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm sẽ tổ chức trồng mới và trồng bổ sung hơn 45.350 cây xanh, trên 3,5 triệu cây hoa, 9.360 cây cảnh và cây tạo hình trên các tuyến đường, công viên và tại các khu đô thị mới, với tổng kinh phí trên 133,5 tỷ đồng. Tại thị trấn và trung tâm các huyện lỵ sẽ tổ chức trồng mới và trồng bổ sung khoảng trên 10 ngàn cây xanh, với tổng kinh phí trên 8,8 tỷ đồng. Đối với các khu du lịch và các điểm tham quan như: Bình Sơn – Ninh Chử, Cà Ná, Vĩnh Hy... dự kiến tổ chức trồng khoảng 4.300 cây xanh, với tổng kinh phí trên 3,7 tỷ đồng. Về hoạt động thu gom và xử lý rác thải, phấn đấu đến hết năm 2013, tất cả các khu du lịch và các điểm tham quan đều có đội vệ sinh thu gom rác thải và lắp đặt đầy đủ các công trình vệ sinh; đến năm 2015, toàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, các thị trấn và trung tâm huyện lỵ đều có đội vệ sinh thu gom rác thải và 100% rác thải được thu gom xử lý hợp vệ sinh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay, ngoài việc chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho Đề án, tỉnh ta còn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch cây xanh, vườn hoa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để khuyến khích, huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện Đề án.