Sửa đổi, bổ sung các hình thức khen thưởng của Nhà nước

Tiếp tục Phiên họp thứ 20, chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và dự án Luật việc làm.

 Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Nâng thời hạn xét tặng các danh hiệu thi đua

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, đã có 125 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 18 ý kiến phát biểu tại Hội trường và 02 đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản. Sau kỳ họp, Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Ban soạn thảo dự án, Thường trực Uỷ ban pháp luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, dự thảo đã quy định cụ thể đối với các hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Đồng thời bổ sung tiêu chuẩn của các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Huân chương Lao động”, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” các hạng, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động”, quy định cụ thể hơn việc khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, làm rõ hơn thành tích về sáng tạo và quy định trong hồ sơ phải có xác nhận thành tích này để đảm bảo việc khen thưởng chính xác.

Đối với yêu cầu “Giảm bớt hình thức khen thưởng cấp nhà nước”, Chủ nhiệm Trương Thị Mai giải trình: Do các hình thức khen thưởng đang được thực hiện tương đối ổn định, có tác dụng động viên, khích lệ, biểu dương, tôn vinh công trạng các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều, nên trước mắt dự án Luật giữ nguyên các hình thức khen thưởng cấp nhà nước như Luật hiện hành (bao gồm 25 hình thức khen thưởng với 42 cấp độ). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng “việc giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước phải được tiếp tục nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi toàn diện Luật”.

Về thời hạn xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, việc nâng thời hạn xét tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động” được thực hiện 5 năm một lần thay cho hằng năm như quy định hiện hành, danh hiệu vinh dự nhà nước dành cho nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, nghệ nhân từ 2 năm lên 3 năm, giải thưởng nhà nước từ 2 năm lên 5 năm là cần thiết. Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và “Cờ thi đua của Chính phủ” giữ quy định như Luật hiện hành để đảm bảo mục tiêu khen thưởng kịp thời, phù hợp với thực tiễn tổng kết các phong trào thi đua hiện nay. Đối với trường hợp có thành tích xuất sắc đột xuất, Chính phủ phải có giải pháp để việc khen thưởng kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với việc bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý việc nâng thời hạn xét tặng một số Danh hiệu thi đua, Danh hiệu vinh dự nhà nước, Giải thưởng nhà nước. Tuy nhiên, lưu ý “cần phải tuyên dương kịp thời các anh hùng, chứ để 5 năm mới tuyên dương thì mất sức lan tỏa”.

Viên chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Cũng trong chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật việc làm. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật việc làm, trong đó nội dung được các đại biểu quan tâm là chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc chuyển nội dung chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật bảo hiểm xã hội sang Luật việc làm. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng không nên mở rộng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động vì chưa phù hợp với năng lực quản lý của các cơ quan, tổ chức trong thời điểm hiện nay, có thể dẫn tới mất cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng viên chức là đối tượng rất ít khi bị thất nghiệp, do đó đề nghị không nên quy định viên chức phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc cần có chính sách để sau khi về hưu họ được hưởng một khoản trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi theo nguyên tắc đóng – hưởng.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình bảo hiểm xã hội ngắn hạn có tính chất chia sẻ cao giữa những người cùng tham gia và người lao động chỉ được hưởng chính sách này khi gặp rủi ro mất việc làm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 2 của Luật viên chức) là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2012, tổng số viên chức thuộc khu vực sự nghiệp công có khoảng 1,792 triệu người; trong đó, số người đóng bảo hiểm thất nghiệp là 1,783 triệu người, chiếm khoảng 21,36% tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giai đoạn 2010 – 2013 có 17.328 người thuộc khu vực sự nghiệp công được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp . Vì vậy, việc tiếp tục quy định viên chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 44 của dự thảo Luật là phù hợp.

Các ý kiến thành viên UBTVQH tại phiên họp đều bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã tương đối hoàn chỉnh cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam