1. Năm học 2012 - 2013, Trường em lại không đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” nữa rồi, cô Hiệu trưởng một trường THCS than phiền. Một năm học, cả thầy và trò ra sức phấn đấu, tiêu chí thi đua nào cũng đạt và vượt chỉ tiêu trên giao nhưng chỉ tại trường không có thầy cô giáo nào đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” thì lạ thật? Hỏi cô Hiệu trưởng mới vỡ lẽ ra: Trường có giáo viên dạy giỏi cấp huyện, có sáng kiến kinh nghiệm được huyện công nhận nhưng chỉ tại quy trình bỏ phiếu kín trong bình xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải đạt 90% số phiếu tán thành trở lên. Tôi nói thêm - Không được thì phấn đấu sang năm đạt cũng tốt có sao đâu. Cô Hiệu trưởng nói như phân trần: Thành tích dạy và học chưa đạt thì việc không đạt danh hiệu thi đua cũng là điều nhắc nhở để nhà trường phấn đấu tốt hơn nhưng chỉ tại việc bỏ phiếu kín không có Chiến sĩ thi đua cơ sở thì thật là oan.
2. Chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh rất nhiều thầy cô giáo xứng đáng đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, nhiều trường học thành tích xuất sắc để xét danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” nhưng chỉ vì “Quy trình bỏ phiếu kín trong bình xét danh hiệu thi đua” dẫn đến trường không có Chiến sĩ thi đua cơ sở nên không đạt. Có huyện năm học 2012 - 2013 không có trường học nào đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” chỉ vì trường không có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Thế là chỉ tại cơ chế “bỏ phiếu kín”!?
3. Trong xét khen thưởng, việc bỏ phiếu kín có cái hay là khách quan, công bằng nếu những người có trách nhiệm bỏ phiếu thật sự công tâm, ngược lại nếu chỉ vì “cảm tính” thì bỏ phiếu kín trong khen thưởng sẽ không động viên được những nhân tố tích cực. Theo Thông tư số 12/2012/TT-BGDĐT ngày 3-4-2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nguyên tắc khen thưởng là “Chính xác, công khai, dân chủ, công bằng và kịp thời trên cơ sở đánh giá đúng hiệu quả công tác của các tập thể, cá nhân; hình thức khen thưởng phải đảm bảo tương đương với thành tích đạt được, không nhất thiết phải khen theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn...”. Vậy làm thế nào để thực hiện đúng nguyên tắc “Chính xác, công khai, dân chủ, công bằng” trong xét khen thưởng, để người được khen thưởng hoặc không được khen thưởng đều “tâm phục, khẩu phục” là vấn đề đặt ra cho cán bộ lãnh đạo quản lý và những người làm công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Giáo dục và Đào tạo phải giải quyết. Năm học 2013 - 2014 đã bắt đầu, không chỉ các thầy cô giáo mà cả xã hội chăm lo quan tâm đến sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà, hãy để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy các thầy giáo, cô giáo lao động hết mình vì học sinh thân yêu!
Minh Thư