Chương trình – Sách giáo khoa chưa cân đối dạy “chữ” với dạy “người”

Chiều 15/8, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa phổ thông (CT-SGK).

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Theo Báo cáo giám sát, CT- SGK giáo dục phổ thông (GDPT) về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, bước đầu thể hiện được quan điểm dạy học phân hóa, tích hợp và tính liên thông, có nhiều tiến bộ về nội dung và hình thức trình bày. Đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, trình độ và cơ cấu chuyên môn. Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất nhà trường từng bước được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hoá. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công bằng xã hội trong giáo dục được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng đã chỉ rõ những mặt còn hạn chế, bất cập. Chất lượng GDPT nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và còn thấp so với các nước tiên tiến. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung còn chậm tiến độ, chưa đồng bộ, một số quy định thiếu tính cụ thể, khả thi. Các loại hình giáo dục chuyên biệt, ngoài công lập, chất lượng cao, có yếu tố nước ngoài chưa bám sát định hướng, mục tiêu đề ra và còn bất cập về cơ chế hoạt động và quản lý.

CT- SGK còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy “chữ” với dạy “người”, giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp. Một số nội dung thuộc một số môn học còn thiếu tính khả thi. Phân ban THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh. Chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai CT- SGK mới nói riêng và bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung.

Đầu tư cho GDPT vẫn còn dàn trải, bình quân, chưa phù hợp với sự chuyển đổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghĩa. Còn thiếu những cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục và định hướng các cơ sở GDPT phát triển hợp quy luật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều trường học còn thiếu đồng bộ, chưa bám sát và chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện CT-SGK mới, hiệu quả sử dụng còn hạn chế.

Nêu nguyên nhân, Báo cáo giám sát chỉ ra công tác chỉ đạo, điều hành GDPT đôi khi còn chủ quan, duy ý chí, chưa dựa trên cơ sở khảo sát thực tiễn một cách khách quan, khoa học khi quyết định những vấn đề quan trọng. Quy trình biên soạn CT- SGK ở một số khâu chưa bảo đảm tính liên thông thống nhất giữa các cấp học, môn học. Thiếu cơ chế quản lý có hiệu lực bảo đảm vận hành đồng bộ toàn bộ quá trình xây dựng, triển khai CT-SGK.

Việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai CT- SGK còn thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu dạy học. Công tác phát triển đội ngũ GV chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng và chất lượng, hiệu quả còn thấp. Công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ GV còn nhiều bất cập. Chính sách ưu đãi đối với nhà giáo chậm đổi mới cho nên chưa kịp thời động viên, khuyến khích GV yên tâm công tác, chưa đủ sức thu hút những người giỏi làm nghề sư phạm.

Ngân sách nhà nước vẫn chưa bảo đảm được yêu cầu nâng cao chất lượng GDPT. Cơ chế, chính sách xã hội hóa trong GDPT còn chậm điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tham gia làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, mặc dù tỷ lệ ngân sách đầu tư cho GDPT lớn nhưng phân bổ nhiều không phải dành trọn vẹn cho hoạt động giáo dục. Bộ trưởng lấy dẫn chứng chẳng hạn phải phân bổ đào tạo hệ thống trường Đảng, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, hệ thống Quốc phòng an ninh… Do vậy, số lượng tiền chi cho GDPT có tăng từ năm này sang năm khác, nhưng nếu tính chi tỷ suất trên đầu các nhà trường, trên đầu sinh viên, học sinh thì không đảm bảo.

Bộ trưởng cho biết thêm, có thể thấy cho đến thời điểm này, mặc dù những vấn đề đảm bảo cho chất lượng GDĐT đã được cải thiện nhiều so với trước, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng trên tổng thể chi thường xuyên vẫn chưa đảm bảo chất lượng tối thiểu cho GD, như nhiều trường học vẫn chưa được kiên cố hóa, nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa chưa đủ, thiết bị dạy và học chưa đủ, chi thường xuyên hoạt động cho nhà trường cũng chưa đủ.

Bộ trưởng nêu bất cập, tỷ lệ chi 80-20, tức là tỷ lệ 80% chi cho hoạt động con người, 20% chi cho hoạt động quản lý nhà trường đó là quy định cách đây hơn 20 năm, từ thời GDPT chỉ “phấn trắng – bảng đen”, còn hiện giờ chi cho hoạt động quản lý nhà trường không còn đơn giản như vậy, có internet, có trang thiết bị thí nghiệm, rồi có rất nhiều điều kiện khác. Một vấn đề nữa trong Báo cáo giám sát cho rằng nhiều thiết bị giáo dục không được sử dụng do hỏng, do chất lượng kém, do trình độ giáo viên thấp nhưng có một điều thực tế đó là do không có tiền để mua sắm các vật dụng, vật liệu hóa chất thí nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ ra SGK thiếu tính hệ thống, nhiều kiến thức mang tính bác học, thiếu kiến thức phổ thông, thiếu thiết thực dẫn đến lãng phí thời gian cho xã hội, gây áp lực cho học sinh, giáo viên. Chỉ câu chuyện học thôi mà thay đổi nhiều quá, cải cách nhiều quá nên lúng túng.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, cùng với ngân sách Nhà nước còn có khoản chi của xã hội cho giáo dục cũng không nhỏ. Rất nhiều gia đình đã phải dành tỷ lệ rất lớn từ thu nhập cho giáo dục. Thế nhưng nếu tăng mức chi này thì chất lượng có tăng lên không. Ngành giáo dục phải vì lợi ích của người dân để thắng được lợi ích của ngành.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam