>> Ninh Thuận: Xét xử 2 đối tượng vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng
Đây là vụ án đã gây sự chú ý của dư luận trong thời gian qua, bởi đã có thông tin cho rằng cán bộ Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn (HKLNS) có dấu hiệu tiêu cực, nên các đối tượng mới bỏ trốn một cách rất bất thường. Tuy nhiên, qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa, cũng như kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Ninh Sơn và lời khai nhận tội của các bị cáo cho thấy, cán bộ HKLNS đã làm hết trách nhiệm.
Đồng chí Trần Đức Hóa, Hạt trưởng HKLNS cho biết: Khi đưa người, tang vật và phương tiện về đến HKLNS (là khoảng 20 giờ ngày 23-2-2013), cán bộ của Hạt đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, lập lý lịch gỗ, rồi yêu cầu các đối tượng Lụa, Nhân, Minh Ngân và Ngân viết bản tường trình và hẹn đến ngày 25-2-2013 có mặt tại HKLNS để làm việc, các đối tượng đều biết rõ nội dung và ký tên vào biên bản. Nhưng khi làm việc đến khoảng 2 giờ sáng ngày 24-2-2014 các đối tượng nói trên la mệt, không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc, nên cán bộ của Hạt đã bố trí cho nghỉ tại phòng họp của đơn vị. Đến khoảng 6 giờ ngày 24-2-2013, khi Lụa thấy Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1970 (là chồng Lụa) đi xe ô tô biển số 49H-3554 đến HKLNS thì Lụa, Nhân, Minh, Ngân và Ngân tự ý ra lên xe ô tô đi về đột ngột, không xin phép ai, nên đơn vị đã mời cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện đến kiểm tra hiện trường, đồng thời phối hợp tiến hành xác minh nhân thân của các đối tượng. Đến ngày 15-3-2013 Đỗ Thị Lụa đã đến cơ quan cảnh sát điều tra CSĐT Công an huyện Ninh Sơn trình diện và khai báo toàn bộ hành vi vi phạm của bản thân và đồng bọn.
Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, cùng lời khai nhận tội của các bị cáo, cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Sơn đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án, tang vật và các bị can đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ninh Sơn để tuy tố Đỗ Thị Lụa và Trần Văn Nhân về tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Theo đó, Tòa án nhân dân huyện Ninh Sơn xử phạt Đỗ Thị Lụa 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng kể từ ngày tuyên án và giao bị cáo Lụa về UBND xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để tiếp tục giám sát giáo dục. Tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nhân 3 tháng tù giam.
Về việc dư luận đặt câu hỏi tại sao HKLNS không áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Hạt trưởng, đồng chí Trần Đức Hóa cho biết thêm: Do mức độ vi phạm của các đương sự ban đầu chỉ được xác định ở khung xử lý hành chính, hơn thế nữa trong thời gian từ khi phát hiện bắt giữ, đến khi áp giải tang vật, phương tiện vi phạm về HKLNS để làm rõ vụ việc, các đối tượng luôn chấp hành tốt. Do đó, đơn vị không áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Mặt khác, do điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị không đảm bảo cho việc giữ người (không có buồng tạm giữ theo quy định).
Đối với thông tin mà dư luận phản ánh cán bộ HKLNS có dấu hiệu tiêu cực trong việc để các đối tượng khai thác rừng bỏ trốn. Tại kết luận điều tra số 25/KLĐT ngày 5-6-2013 của cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Sơn xác định, việc lập biên bản vi phạm hành chính ban đầu của cán bộ HKLNS trong đó có ghi rõ nội dung ngày 25-2-2013 các đối tượng phải có mặt tại Hạt Kiểm lâm để làm việc, còn các đối tượng tự bỏ trốn và không đến đúng hẹn là do các đối tượng vi phạm không chấp hành. Do đó, cơ quan CSĐT chỉ đề nghị HKLNS cần rút kinh nghiệm trong quá trình củng cố, lập hồ sơ và cung cấp thông tin ban đầu, nhất là đối với các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, chứ không hề nhắc đến có dấu hiệu tiêu cực. Đồng thời trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Sơn còn xét thấy trách nhiệm của một số cán bộ Công ty THHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn trong quản lý bảo vệ rừng còn lỏng lẻo, không phát hiện được các đối tượng vào rừng mua bán, vận chuyển gỗ. Do đó, cơ quan CSĐT đề nghị Công ty và cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với các cán bộ có liên quan đúng theo quy định của ngành.
Mặc dù vụ án đã được đưa ra xét xử công khai, đúng người, đúng tội và kịp thời trước pháp luật. Tuy nhiên, qua vụ án một lần nữa cho thấy tình hình vi phạm, phạm tội trong lĩnh vực lâm luật trên địa bàn huyện Ninh Sơn nói riêng và tỉnh ta nói chung đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nguyên nhân vi phạm đều do nhu cầu mưu sinh và hám lợi của một số đối tượng. Vì thế thiết nghĩ để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống phá rừng, trong thời gian tới cơ quan pháp luật cần đưa ra xét xử nghiêm khắc, có mức án nặng hơn đối với đối tượng vi phạm, nhằm răn đe những đối tượng nếu có hành vi, ý định mưu sinh, thu lợi bất hợp pháp từ rừng thì hãy từ bỏ ngay, nên chọn cho mình một con đường mưu sinh chân chính. Đối với các đơn vị chức năng của địa phương, nhất là lực lượng ngành Kiểm lâm cần xem đây là bài học để rút kinh nghiệm, qua đó tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thường xuyên tổ chức các đợt truy quét dọc các tuyến đường trọng yếu, các vùng giáp ranh, trọng điểm. Đẩy mạnh việc phối hợp kiểm tra liên ngành các cơ sở kinh doanh, chế biển lâm sản, lập danh sách các đối tượng thường xuyên tham gia vận chuyển lâm sản, phá rừng làm rẫy trên địa bàn huyện để tiến hành ký cam kết và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Cùng với đó, địa phương cần chú trọng hơn trong công tác vận động chuyển đổi nghề, đào tạo nghề cho người dân, để mọi người hiểu nâng cao nhận thức cùng bảo vệ môi trường sinh thái và chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng.
Văn Thanh