Chiều ngày 14/8, tiếp tục phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội, sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ và 18 ý kiến ĐBQH phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan khác nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, Dự thảo Luật mới đã bổ sung quy định về điều kiện được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); nghĩa vụ của người sử dụng thuốc; bổ sung quy định cấm các hành vi sử dụng thuốc trái quy định của luật này, hành vi sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cấm, thuốc BVTV giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, không có trong danh mục được phép sử dụng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật là rất quan trọng. Theo ông điều thiếu sót là dự thảo Luật chưa làm rõ được trường hợp doanh nghiệp cung cấp thuốc vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào. Trong khi đó, dự thảo Luật lại có chế tài với việc sử dụng thuốc BVTV sai quy định, lạm dụng thuốc BVTV đối với người nông dân. “Bán thuốc giả, thuốc hết hạn cho người nông dân mà họ không biết, họ sử dụng thì phải xử lý doanh nghiệp cung cấp chứ xử lý người nông dân là vô lý” – Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.
Đồng tình với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cũng cần bổ sung thêm trách nhiệm đối với những người sử dụng thuốc. “Đối với những trường hợp người nông dân cố tình lạm dụng thuốc BVTV cũng cần phải xử lý” – Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.
Liên quan tới vấn đề thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, Thường trực Ủy ban KHCN&MT cho rằng, hiện tại các cơ sở sản xuất thuốc BVTV đều phải nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nếu quy định chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV lấy từ cơ sở sản xuất thì sẽ làm tăng giá thành của thuốc BVTV, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Do vậy, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo Luật mới đã bổ sung quy định Nhà nước hỗ trợ sản xuất, sử dụng bao gói thuốc BVTV từ vật liệu dễ tái chế để hạn chế lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải tiêu hủy; quy định rõ chi phí xử lý bao gói thuốc BVTV do UBND cấp tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương.
Dự thảo Luật mới cũng đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của người sử dụng thuốc BVTV trong việc thu gom bao gói thuốc BVTV, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc quy định địa điểm thu gom, tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV. Đồng thời bổ sung quy định cấm đối với hành vi bỏ lại thuốc thừa, vứt bỏ bao gói thuốc BVTV không đúng nơi quy định.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh dự thảo Luật này rất quan trọng vì sẽ góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm sức khỏe an toàn của người dân và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường, do vậy Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình xin ý kiến các Đoàn ĐBQH./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam