Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, UBTVQH sẽ dành cả ngày 16/8 để cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngoài ra, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến vào nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị định khác.
Tại Phiên họp, UBTVQH sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. UBTVQH sẽ dành trọn một ngày 21/8 cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến, UBTVQH sẽ chất vấn tình hình thực thi các văn bản pháp luật với Bộ trưởng Bộ Tư pháp; chất vấn một số vấn đề liên quan tới tình hình thực thi pháp luật về đất đai với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH cho ý kiến lần đầu về dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Theo Tờ trình của Chính phủ, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là trong điều kiện đất nước ta còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát vũ trang phải thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, mà nội dung quan trọng là xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Cảnh sát vũ trang. Tuy nhiên, hiện nay, tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát vũ trang mới chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an, chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ, toàn diện về xây dựng, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của lực lượng Cảnh sát vũ trang. Do vậy, việc ban hành Pháp lệnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khoá XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, tên gọi của dự án Pháp lệnh này là "Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động". Song, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Pháp lệnh, Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” cho phù hợp.
Thẩm tra dự án Pháp lệnh, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh (UBQPAN) nhất trí cho rằng, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên UBQPAN đề nghị giữ nguyên tên gọi như Nghị quyết của Quốc hội đã xác định là “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”. Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa lí giải: Vũ trang là tính chất hoạt động được xác định cho 3 lực lượng gồm: Quân đội nhân dân, CAND, dân quân tự vệ; trong đó, CAND gồm lực lượng An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân. “Nếu sử dụng tên gọi Cảnh sát vũ trang sẽ dẫn đến cách hiểu không thống nhất về lực lượng vũ trang, và cho rằng, lực lượng cảnh sát khác trong CAND là phi vũ trang.” – Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.
Mặt khác, theo ông, tên gọi Cảnh sát vũ trang cũng chưa thể hiện được đầy đủ tính chất, phương thức hoạt động, biện pháp công tác của lực lượng, chưa phải là tiêu chí để phân biệt lực lượng này với lực lượng khác trong CAND.
Một lí do nữa được Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa đưa ra là: Tên gọi Cảnh sát vũ trang mang tính nhạy cảm, không có lợi trong vấn đề đối nội và đối ngoại”, bởi khi lực lượng này được giao nhiệm vụ tham gia giải quyết các vụ việc mà đối tượng trực tiếp đấu tranh lại là người dân vi phạm pháp luật trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đồng thời việc giải quyết, xử lý của lực lượng này có liên quan nhiều đến quyền cơ bản của công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dự thảo Pháp lệnh có nhiều nội dung liên quan đến quy định của Luật Công an nhân dân (CAND), Luật An ninh quốc gia, Luật phòng, chống khủng bố… cần được nghiên cứu, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là Luật CAND đang được nghiên cứu sửa đổi.
Theo ông, có nhiều quy định trong dự thảo Pháp lệnh không phù hợp với Hiến pháp. Ông ví dụ, cần cân nhắc quy định trong dự thảo: “Xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đề nghị Ban Soạn thảo xây dựng Pháp lệnh này phải tránh tình trạng “trái, trùng, chép lại” với Hiến pháp và những luật khác.
Đối với việc trang bị vũ khí, ông tán thành dự thảo quy định “Cảnh sát vũ trang được trang bị vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng tiên tiến, hiện đại và động vật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, “điều quan trọng là cần sử dụng có hiệu quả, không được lạm dụng vũ khí”.
Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị đối chiếu Pháp lệnh này với Luật CAND và một số luật khác, tránh tình trạng “Pháp lệnh vượt lên trên Luật”.
Ủng hộ việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, nên lấy tên gọi là “Pháp lệnh cảnh sát cơ động”. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trang bị vũ khí cho lực lượng cảnh sát cơ động là cần thiết nhưng cần quy định rõ lực lượng này được nổ súng trong trường hợp nào, đối với ai? Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần cân nhắc quy định “xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam