Cùng với sự phát triển của internet, các rối loạn tâm thần liên quan đến internet cũng ngày càng nhiều, như nghiện game online, nghiện mạng xã hội (facebook, messenger, chat...).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Đặc điểm của các rối loạn tâm thần liên quan đến Internet
Những người chơi game online, vào mạng xã hội trên 2 giờ mỗi ngày trong thời gian trên 1 tháng được coi là nghiện. Khi đó người bệnh thường có các biểu hiện sau:
Những biểu hiện giống nghiện ma túy như bệnh nhân thèm chơi game, vào mạng xã hội. Người nghiện tỏ ra quan tâm quá mức tới game online hoặc mạng xã hội. Khi phải xa máy tính, smart phone họ luôn thèm muốn được chơi game, vào mạng xã hội, luôn nói về game, mạng xã hội, mất tập trung, hay cáu gắt hoặc mất các hứng thú khác.
Những biểu hiện của nhóm triệu chứng trầm cảm như họ có nét mặt đơn điệu, ngơ ngác, buồn bã, các nếp nhăn giãn ra. Tình trạng khí sắc giảm bền vững trong cả ngày. Những người nghiện là trẻ vị thành niên lại thường có khí sắc kích thích, nghĩa là họ rất dễ nổi cáu vô cớ trong vài phút đến vài chục phút, sau đó lại trở về tình trạng khí sắc giảm. Người nghiện game hoặc mạng xã hội mất hầu hết các hứng thú và sở thích vốn có. Họ chỉ còn thích chơi game hoặc vào mạng xã hội mà thôi và hầu như không còn hào hứng gì với âm nhạc, thể thao, hội họa, phim ảnh, mua sắm, đi dã ngoại...
Bố mẹ khi thấy con mình có các dấu hiệu nêu trên, hãy xem con mình có các dấu hiệu sau đây không: ngây ngô, đần độn khi chơi game, vào mạng xã hội và một thời gian sau khi chơi; hậu quả xấu do chơi game, vào mạng xã hội (kết quả học tập sút kém, giảm các mối quan hệ…); phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian chơi game, vào mạng xã hội; nếu có các dấu hiệu trên thì cần nghi ngờ con mình đã bị nghiện game online, nghiện mạng xã hội và nên đưa đi khám ở các bác sĩ tâm thần.
Tác hại của game online, mạng xã hội
Nhiều người cho rằng chơi game hoặc vào mạng xã hội không tác hại bằng nghiện ma túy! Nhưng chính game online và mạng xã hội là nguyên nhân gây đổ vỡ trong cuộc sống. Trẻ em chơi game 5 - 6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, để học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến trẻ không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều game thủ đã ngoài hai mươi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ lên mười. Những game thủ nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật.
Mặt khác, các triệu chứng của trầm cảm do nghiện game, mạng xã hội khiến sức khỏe về thể chất và tâm thần của người nghiện bị suy giảm nghiêm trọng. Nặng nề nhất là ý định và hành vi tự sát và thực tế cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này.
Điều trị nghiện Internet
Điều trị nghiện game, mạng xã hội cũng giống như điều trị nghiện ma túy. Do máy tính đã trở thành phổ biến nên việc cai nghiện có phần khó khăn hơn. Đối với người nghiện game, mạng xã hội, chơi game online, vào mạng xã hội cũng quan trọng như ăn, uống và hít thở vậy. Vì vậy, muốn cai nghiện cần phải làm các bước sau: ngừng hoàn toàn việc chơi game, vào mạng xã hội; cắt cơn cai nghiện game online, mạng xã hội bằng thuốc an thần và chống trầm cảm; điều trị củng cố chống tái phát.
Điều trị tấn công: Mục đích của điều trị tấn công là để cắt được hội chứng cai game, mạng xã hội và trầm cảm của người nghiện. Tốt nhất là điều trị nội trú tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần để đảm bảo bệnh nhân được cách ly tuyệt đối với internet. Trong 3 tuần đầu bệnh nhân dùng các thuốc quetiapin, zosert, clonazepam. Sang tuần thứ tư bệnh nhân chỉ dùng thuốc quetiapin, zosert.
Điều trị củng cố: Điều trị củng cố để chống tái nghiện, đây là công việc quyết định việc thành bại của cai nghiện game online, mạng xã hội. Điều trị củng cố gồm hai phần tiến hành đồng thời với nhau: điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý - xã hội. Điều trị bằng thuốc thường dùng thuốc quetiapin và zosert. Các liệu pháp tâm lý - xã hội bao gồm: từ bỏ Internet. Đây là sự hy sinh rất lớn của các thành viên khác trong gia đình bệnh nhân nghiện. Bệnh nhân bị buộc phải từ bỏ Internet hoàn toàn, nghĩa là không được chơi dù chỉ 1 phút. Nhiều người đã lầm tưởng rằng chỉ cần giới hạn thời gian chơi mỗi ngày dưới 1 giờ là đủ. Điều này là sai lầm vì bệnh nhân nghiện game, vào mạng xã hội đã mất khả năng kiểm soát việc chơi game, vào mạng xã hội. Khi được chơi game 1 giờ mỗi ngày, họ lại muốn chơi game lâu hơn. Khi bị cấm ở nhà, họ sẽ tìm cách chơi ở nơi khác (ở cơ quan, ở quán internet).
Với người nghiện là những người làm việc tại những nơi có tiếp xúc với máy vi tính có kết nối internet, họ sẽ phải chuyển sang làm những việc khác, thậm chí phải bỏ nghề để đảm bảo nguyên tắc không tiếp cận với máy tính có kết nối internet. Đây là quyết định khó khăn bởi với nhiều người họ phải từ bỏ một công việc tốt. Nhưng thực tế, trong thời gian nghiện, người nghiện cũng không thể làm được gì với công việc của mình.
Tăng cường các hoạt động thể lực và hoạt động văn hóa: Người nghiện sẽ bị bắt buộc thực hiện các hoạt động thể thao như đi bộ, đạp xe, chơi cầu lông, đá bóng và bơi lội. Họ có thể tham gia các chuyến tham quan, các hoạt động ngoại khóa (cắm trại) của trường và cơ quan để tăng cơ hội giao tiếp với xung quanh, quên đi cảm giác thèm chơi và tăng khả năng hòa nhập với cuộc sống thực tại.
Người nghiện nên tham gia các hoạt động văn hóa như ca nhạc, ngâm thơ, đọc sách báo giấy để tìm hiểu về các vấn đề của cuộc sống. Sẽ rất tốt nếu người nghiện game, mạng xã hội tìm hiểu các thông tin về bệnh của mình.
Người nghiện có thể tham gia vào liệu pháp tâm lý nhận thức - hành vi. Họ cũng có thể tham gia các nhóm trao đổi thông tin về cách thức vượt qua cảm giác thèm chơi game, vào mạng xã hội với những người khác.
Chưa có số liệu nào về thời gian điều trị củng cố cho nghiện game online, mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng phải điều trị nghiêm túc và đầy đủ như nghiện ma túy. Vì vậy, thời gian điều trị củng cố được khuyên là trong nhiều năm (tối thiểu 6 năm).
Nguồn vov.vn