Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Cải cách công vụ, công chức là nội dung quan trọng, có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Để triển khai thực hiện Chương trình này, ngày 18/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mục tiêu xây dựng một nền công vụ Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng ban để đôn đốc, chỉ đạo, bảo đảm việc thực hiện Đề án một cách toàn diện, thống nhất giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức của Đảng, đoàn thể. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương thành lập Ban Chỉ đạo để đôn đốc triển khai các nhiệm vụ được giao.
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai Đề án và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Công tác xây dựng thể chế có chuyển biến tích cực. Đã ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; ban hành khá đầy đủ quy định để cải cách chế độ công vụ, công chức như: tuyển dụng, nâng ngạch; xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức; chế độ báo cáo, thống kê và quản lý hồ sơ cán bộ; chế độ quản lý, sử dụng cán bộ, xử lý kỷ luật, trách nhiệm bồi thường...
Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nội dung, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức; xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức có nhiều đổi mới, nhiều cơ quan áp dụng thi trực tiếp trên máy tính, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào, bảo đảm khách quan, công bằng, phòng chống tiêu cực; một số địa phương thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, cấp phòng. Kỷ luật, kỷ cương hành chính từng bước được tăng cường, nâng cao đạo đức và văn hóa giao tiếp trong hoạt động công vụ. Nhiều Bộ, ngành, địa phương có quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức uống bia, rượu trong giờ nghỉ trưa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cải cách chế độ công vụ, công chức vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa coi cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức là nhiệm vụ trọng tâm. Cấp lãnh đạo chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa chủ động triển khai Đề án, chậm thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch hành động. Công tác triển khai còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, việc thực thi pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tại nhiều nơi chưa nghiêm túc, làm ảnh hưởng đến tiến trình cải cách. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn còn nhiều dư luận về tiêu cực, thiếu khách quan, chưa công bằng và chưa chấp hành nghiêm các quy định đã đề ra. Chưa có cơ chế để tinh giản, cho ra khỏi công vụ những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đánh giá cán bộ, thi đua, khen thưởng… vẫn còn nhiều bất cập, còn mang tính hình thức.
Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, công tác cải cách chế độ công vụ, công chức cần phải được coi là nội dung quan trọng của cải cách hành chính, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành.
Để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách chế độ công vụ, công chức, bên cạnh việc nâng cao quyết tâm chính trị của cấp lãnh đạo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, rất cần sự tham gia, ủng hộ, quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Một là, tập trung hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức như mô tả cụ thể công việc và khung năng lực cho từng vị trí công tác để làm cơ sở xác định biên chế và đổi mới các nội dung, phương thức quản lý công chức. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức để thay thế hệ thống cũ được ban hành cách đây 20 năm đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp, kể cả các chức danh lãnh đạo, quản lý và chức danh ngạch công chức. Đồng thời, khẩn trương xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định của Luật Viên chức hiện hành.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ và bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam nhằm mục đích tìm được những người có tài năng, đủ phẩm chất, trình độ cho từng vị trí lãnh đạo, quản lý.
Triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công chức, viên chức, triển khai rộng rãi việc áp dụng phương pháp thi tuyển, thi nâng ngạch qua phần mềm máy tính nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm khách quan, công bằng và góp phần phòng chống tiêu cực.
Ba là, quyết tâm thực hiện việc tinh giản biên chế theo nguyên tắc: không chỉ giảm về số lượng mà phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cán bộ, cần có cơ chế khả thi đưa ra khỏi công vụ những cán bộ không có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ và tuyển chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với từng vị trí việc làm cụ thể. Đồng thời, triển khai thực hiện thí điểm chế độ công chức hợp đồng để xây dựng nền công vụ năng động, linh hoạt, nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn của từng đơn vị, cơ quan về nhân lực khi thực hiện các nhiệm vụ mang tính đột xuất, thời vụ.
Bốn là, chú trọng duy trì và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức trong hoạt động công vụ; quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức và đặc biệt là người đứng đầu trong hoạt động công vụ. Coi việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chung phải được tính đến cả kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong đề án cải cách này.
Năm là, phải thống nhất nhận thức rằng, cải cách công vụ, công chức là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính và đồng hành với cải cách hành chính. Điều này đòi hỏi các thủ tục hành chính gắn với hoạt động công vụ phải luôn được thực hiện trên tinh thần cải cách, cần đơn giản hóa, không rườm rà hơn, không phức tạp hơn trước, phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, hạn chế tiêu cực, tham nhũng có thể phát sinh.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao, bỏ qua lợi ích cục bộ, riêng tư để cùng hướng tới những mục tiêu chung của công cuộc cải cách. Thực hiện thành công các nhiệm vụ đó chắc chắn sẽ tạo chuyển biến rõ rệt cho chế độ công vụ, công chức. Từ đó, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng và bảo đảm sự thành công của công cuộc cải cách mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện.
Nguồn www.chinhphu.vn