Sức sống mới ở các vùng đồng bào Chăm trong tỉnh

(NTO) Theo thống kê toàn tỉnh có gần 14.740 hộ đồng bào Chăm với trên 73.930 người, chiếm 11,74% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 22 làng (35 thôn, khu phố) của 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố. Trong đó nhiều nhất là ở huyện Ninh Phước với trên 42.620 người và thấp nhất là Tp. Phan Rang – Tháp Chàm với gần 1.660 người.

Trong những năm qua, nhất là từ sau khi tỉnh nhà được tái lập, cùng với đó là việc tỉnh ta quán triệt, thực hiện, đưa Thông tri 03-TT/TW ngày 17/10/1991 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa VII) về “Công tác đối với đồng bào Chăm” vào cuộc sống, đến nay có thể nói bằng nhiều nguồn vốn do trung ương và địa phương đầu tư cộng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên… đã góp phần tạo nên diện mạo mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh ở các vùng đồng bào Chăm trong tỉnh.

 
Làng Chăm Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc

Khởi sắc về kinh tế

Với đặc điểm của tỉnh ta, hầu hết các vùng đồng bào Chăm nguồn sống chính là dựa vào nông nghiệp, do vậy từ năm 1992 đến nay tỉnh ta đã quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển thông qua nhiều chương trình, dự án được đầu tư. Điều đáng ghi nhận là việc đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất luôn được ngành chức năng và địa phương chú trọng nên đã “lan tỏa” đến phần lớn các nông hộ để vận dụng vào thực tế từng loại cây trồng…Đến nay đã hình thành các vùng chuyên canh cây lúa nước ở Ninh Hải, Ninh Phước, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm,… Nếu năm 2002 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn tỉnh chỉ đạt trên 56.145 ha, năng suất bình quân đạt 35 tạ/ha thì đến năm 2012 diện tích đạt trên 78.230 ha, tăng 22.087 ha (vùng đồng bào Chăm chiếm 33,5% tổng diện tích gieo trồng), năng suất bình quân đạt 50-60 tạ/ha/vụ, có nơi đạt từ 70-80 tạ/ha/vụ. Theo đó, tổng sản lượng lương thực có hạt từ 156.446 tấn năm 2002 đã tăng lên 280.667 tấn năm 2012, tăng 79%.

 
Niềm vui được mùa của nông dân làng Chăm Lương Tri (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn).
Ảnh: Phượng Vỹ

Chăn nuôi có chiều hướng phát triển tốt. Nếu trước năm 1992, đồng bào Chăm chủ yếu chăn nuôi quản canh thì từ năm 2002 đến nay nhiều nông hộ đã chuyển sang chăn nuôi bán thâm canh và trang trại. Cụ thể như Ninh Phước hiện có 50 trang trại, với trên 14.360 con gia súc, Thuận Nam có 60 trang trại với trên 25.000 con. Nhiều nông hộ còn kết hợp chăn nuôi dưới tán cây trồng các loại gia cầm như gà, vịt,… để tăng thu nhập. Ngoài ra, các địa phương còn triển khai việc phát triển trồng rừng, đã giao rừng khoán quản cho đồng bào Chăm với diện tích trên 14.880 ha, chiếm 25,2% tổng diện tích rừng giao khoán quản; hỗ trợ cho 393 hộ trồng mới 613 ha rừng phòng hộ … tổng kinh phí thực hiện trên 5,4 tỷ đồng, giải quyết cho hàng nghìn lao động và tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, đốt rừng làm rẫy.

Cùng với tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, các ngành nghề truyền thống của đồng bào Chăm được Nhà nước quan tâm đầu tư khôi phục và phát triển. Tính đến nay Nhà nước đã đầu tư trên 25,6 tỷ đồng để phát triển các làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vốn vay, từ năm 2004 đến 2011 tỉnh đã đầu tư cho hộ gia đình tại 3 làng nghề nói trên với tổng vốn vay trên 4,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2000 lao động… Ngoài ra, các làng nghề hàng năm còn được hỗ trợ về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ như xây dựng mô hình lò nung gốm, xây dựng thương hiệu làng nghề, tổ chức xúc tiến thương mại,… Mặt khác, để giúp đồng bào Chăm có việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, chỉ tính giai đoạn 2004 – 2011 Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 18.916 hộ vay với số tiền trên 146,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn nói trên còn giúp cho nhiều con em đồng bào Chăm có điều kiện học hành, nhiều nông hộ có điều kiện mua sắm các trang thiết bị phục vụ sản xuất…

Bằng những việc làm thiết thực từ tỉnh đến cơ sở cộng với nỗ lực của người dân như đã nêu trên, nhìn chung đến nay kinh tế trong vùng đồng bào Chăm đã có bước phát triển rõ nét, đời sống của đa số bà con được nâng lên, hộ khá, giàu ngày càng nhiều, hộ nghèo ngày càng giảm và không còn hộ đói. Đến cuối năm 2012, số hộ nghèo trong đồng bào Chăm toàn tỉnh giảm còn 1.623 hộ/7.670 khẩu, chiếm 11,16% so với hộ đồng bào Chăm và chiếm 8,32% so với hộ nghèo chung của tỉnh.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần

Một trong những kết quả nổi bật qua hơn 20 năm thực hiện Thông tri 03 đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế các xã có đồng bào Chăm được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đội ngũ y bác sĩ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Hiện ngành Y tế có 353 cán bộ, công chức, viên chức người Chăm, chiếm 15,8% tổng số cán bộ y tế toàn ngành; 100% xã, thị trấn vùng đồng bào Chăm có trạm y tế, trong đó có 7/13 trạm đạt chuẩn quốc gia; 6/13 trạm y tế đã có bác sĩ. Công tác phòng chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phong trào sinh đẻ có kế hoạch, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo… được quan tâm thực hiện tốt.

 
Liên hoan văn nghệ mừng Lễ hội Ka-tê ở làng Chăm Hữu Đức (Ninh Phước). Ảnh: CTV

Lĩnh vực giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, hầu hết các trường học từ mẫu giáo đến THCS các thôn, xã vùng đồng bào Chăm đều được đầu tư xây dựng mới. Chỉ tính giai đoạn 1995-2012, tổng vốn đầu tư trên 94,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 4 trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái và Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đều có học sinh đồng bào Chăm. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 100% số xã được công nhận xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS. Số lượng học sinh đồng bào Chăm ở các cấp học ngày càng tăng. Chỉ tính năm học 2012-2013 toàn tỉnh có trên 7.700 học sinh tiểu học, 5.788 học sinh THCS, 3.053 học sinh THPT. Từ 1992-2012, toàn tỉnh đã cử tuyển đào tạo 161 học sinh người Chăm trình độ đại học, cao đẳng, 713 học sinh hệ dự bị đại học dân tộc… Ngoài ra, từ năm 1992 đến nay có 100% học sinh tiểu học đồng bào Chăm được học chữ Chăm. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên người Chăm được quan tâm đúng mức. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người Chăm trong ngành giáo dục có trên 1.635 người. Điều cũng đáng nói nữa là việc thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên được triển khai đồng bộ. Học sinh, sinh viên người Chăm tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng phần lớn được xem xét tuyển dụng bố trí, phân công công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Đoàn thể các cấp. Phong trào khuyến học, khuyến tài trong các dòng tộc, họ tộc được chú trọng. Đơn cử như ở huyện Ninh Phước đã có 266 chi hội, dòng họ người Chăm hiếu học. Riêng xã Phước Thái đã có 10 dòng họ hiếu học với quỹ khuyến học trên 1 tỷ đồng; xã Phước Hữu có 15 dòng họ hiếu học, số quỹ 422 triệu đồng; huyện Thuận Nam có 37 chi hội với trên 1.600 hội viên,…

Những năm qua, cùng với chính sách đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, tỉnh còn quan tâm phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm. Các lễ hội truyền thống được duy trì, phát triển đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào Chăm. Các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ được củng cố, phát triển rộng khắp trong các làng Chăm… Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn đồng bào Chăm đều có sân bóng đá, bóng chuyền; đã có 8 nhà văn hóa Chăm được đầu tư xây dựng...

Khó có thể nói hết những thành quả mà tỉnh ta đã dồn sức để đầu tư, tạo đà phát triển toàn diện cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh đồng thời nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Chăm trong tỉnh. Điều đó còn khẳng định sự đúng đắn về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong đó có đồng bào Chăm. Đây còn là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục thực hiên đạt kết quả cao hơn Thông tri 03 của Ban Bí thư Trung ương trong thời gian tới.

Để tạo sức bật cho kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm trong tỉnh phát triển, bên cạnh việc đầu tư cho chương trình khuyến nông, chương trình xây dựng nông thôn mới… có thể kể đến một số lĩnh vực đầu tư quan trọng như:

- Về công trình thủy lợi: đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình hồ chứa nước Bàu Ngứ, đập Li Mơn, kênh cấp 1 Tân Giang, kênh Nam 2, hồ Bàu Zôn, Tà Ranh, hồ Phước Nhơn, hồ chứa nước Lanh Ra, hồ Sông Biêu,… Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1995-2012 trên 365,52 tỷ đồng. Nhờ đó góp phần làm tăng năng lực chủ động tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng năng suất và chất lượng nông sản phẩm.

- Về lĩnh vực giao thông: ngoài việc đầu tư 8 công trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn cho một số địa phương với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1995-2012 trên 84,6 tỷ đồng, từ năm 2004 đến 2011 tỉnh đã đầu tư nâng cấp mới các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn vùng đồng bào Chăm có tổng chiều dài 66,36 km với tổng kinh phí thực hiện trên 59,2 tỷ đồng.

- Về điện, nước sinh hoạt: giai đoạn 1995-2012 tỉnh đã đầu tư 12 công trình cấp nước nông thôn, 13 công trình điện, tổng vốn đầu tư 64 tỷ đồng. Đến nay, có trên 95% hộ đồng bào Chăm được sử dụng nước sạch; 100% hộ dân có điện thắp sáng...