Trong một tuyên bố chiều cùng ngày, người phát ngôn bộ trên nhấn mạnh nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề Kaesong và coi khu công nghiệp chung này như một tiêu chuẩn cho các quan hệ liên Triều, Triều Tiên cần thể hiện thái độ thiện chí và hành động thay vì "giữ im lặng".
Theo người phát ngôn, phía Hàn Quốc đã "đến giới hạn kiên nhẫn". Bình luận trên được đưa ra một tuần lễ sau khi Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl Jae (Ri-u Kin Chê) đề xuất "đàm phán lần cuối" với Triều Tiên về khởi động lại khu công nghiệp Kaesong. Cho đến thời điểm này, Pyongyang (Bình Nhưỡng) vẫn chưa có phản hồi về đề xuất trên. Bộ trưởng Ryoo Kihl Jae đã cảnh báo nếu Triều Tiên vẫn không có câu trả lời rõ ràng về các biện pháp ngăn chặn tái diễn việc đóng cửa khu công nghiệp này, Hàn Quốc "không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra một quyết định nghiêm trọng" trước tình trạng tổn thất của các công ty Hàn Quốc ngày càng tăng. Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về khu công nghiệp Kaesong mà không đạt được tiến triển. Trong các vòng đàm phán, phía Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên đưa ra đảm bảo rõ ràng về việc không để tái diễn kịch bản đóng cửa khu công nghiệp, đồng thời yêu cầu phát triển khu công nghiệp chung Kaesong trở thành khu công nghiệp quốc tế bằng việc chấp nhận các công ty nước ngoài đầu tư vào đây.
Trong khi đó, phía Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc nhanh chóng mở cửa trở lại khu công nghiệp sau khi hoàn tất công tác bảo trì, nhưng không chấp nhận yêu cầu phải thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo đảm không tái diễn việc đơn phương đóng cửa Kaesong. Khu công nghiệp Kaesong được thành lập năm 2004 và là biểu tượng hợp tác kinh tế duy nhất giữa hai miền Triều Tiên.
Ngày 9-4 vừa qua, Pyongyang tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp và rút toàn bộ 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc tại hơn 100 công ty của Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Tiếp đó, ngày 24/4, Seoul cũng quyết định rút các nhân viên người Hàn Quốc khỏi Kaesong.
Theo TTXVN