Ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp

Ngành Tòa án cần chủ động trong công tác xây dựng pháp luật, tạo minh bạch, có kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan tố tụng, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp…

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng
TAND Tối cao, sáng 31/7. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đây là yêu cầu được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương nêu ra tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) về việc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, sáng 31/7.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách tư pháp là vấn đề quan trọng, phức tạp nên quá trình triển khai thực hiện cần chủ động, sáng tạo, biết dựa trên những cơ sở lý luận thực sự khoa học, đúng đắn và tôn trọng thực tiễn.

Những tồn tại sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là chưa có quyết tâm chính trị cao để thực hiện công cuộc cải cách tư pháp; ngành Toà án chưa thực sự phát huy được vai trò trung tâm trong toàn bộ hoạt động xét xử; án tồn đọng còn nhiều, tỷ lệ án hủy, sửa còn cao; chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để bảo đảm quyền tranh tụng tại tòa, đơn thư khiếu kiện còn kéo dài phức tạp, dư luận chưa yên tâm, chưa thành lập tòa án khu vực…

Trong bối cảnh quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 đang đi vào giai đoạn cuối, TANDTC với tư cách là một nhánh quyền lực cần chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, góp ý toàn diện vào Dự thảo, đặc biệt là chuẩn bị tốt nội dung của Chương, điều về Tòa án; chủ động trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần tạo cơ chế minh bạch, có kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan tố tụng, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chủ động hoành thành đúng tiến độ các dự án luật được giao.

TANDTC cần có nghiên cứu hệ thống, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện khi Hiến pháp 1992 sửa đổi được Quốc hội thông qua; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, thẩm phán; tăng cường kiểm tra, giám sát, để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện xử lý những vi phạm tiêu cực phát sinh; kịp thời đề xuất chế độ tiền lương chính sách phù hợp, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, góp phần chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động tố tụng.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Báo cáo của TANDTC cho biết sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW ra đời, ngành Tòa án đã giải quyết hơn 1,8 triệu vụ án các loại, chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo và có những tiến bộ, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán năm sau thường thấp hơn năm trước.

Tòa án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, chú trọng đánh giá chứng cứ mới.

Nhiều đề án mới theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy tòa án các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh triển khai. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là đổi mới hoạt động của hệ thống tòa án gồm 4 cấp: TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, thành phố; TAND cấp cao và TANDTC.

Nguồn www.chinhphu.vn