Nhiều năm qua cùng với sự hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện phát triển từ các chủ trương, chính sách đến đầu tư... của Đảng và Nhà nước cộng với nỗ lực vươn lên của đồng bào Chăm đã tạo nên diện mạo mới về kinh tế và đời sống xã hội vùng đồng bào Chăm trong tỉnh nói chung, huyện Ninh Phước nói riêng.
Một góc làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên
Từ đầu tư phát triển kinh tế.....
Có thể nói Thông tri 03-TT/TW ngày 17-10-1991 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa VII) về “Công tác đối với đồng bào Chăm” đã thổi luồng gió mới vào đời sống kinh tế của các vùng đồng bào Chăm. Cùng với việc quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tri, các quy định của Chính phủ và của tỉnh… Từ năm 1992 đến nay, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như: Hồ Tân Giang, CK7, Bàu Zôn, Tà Ranh, Lanh Ra, Sông Biêu, một số đập dâng, trạm bơm... Mặt khác, tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống kênh Nam - kênh Chàm và kiên cố hóa kênh mương cấp II, III với chiều dài 68km, giá trị hàng trăm tỷ đồng góp phần tăng diện tích đất chủ động tưới và phục vụ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Điều cũng đáng nói là việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất luôn được các ngành chức năng và địa phương chú trọng, qua đó đã tạo “hiệu ứng” trong đồng bào Chăm. Đến nay, các nông hộ đã sử dụng 100% cơ giới hoá trong khâu làm đất và thu hoạch lúa, vừa góp phần giảm giá thành trong sản xuất, vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong những năm gần đây đồng bào Chăm còn mạnh dạn áp dụng các mô hình như: liên kết “4 nhà” trong sản xuất; mô hình “ 3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”... nên năng suất lúa bình quân hàng vụ đạt từ 60-65 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt từ 70-80 tạ/ha, điển hình ở các xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu; mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải. Chăn nuôi cũng là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp của huyện nói chung và đồng bào Chăm nói riêng. Nếu những năm trước đây chăn nuôi theo hình thức chăn thả truyền thống thì những năm gần đây đại bộ phận hộ chăn nuôi đồng thời với mở rộng đối tượng nuôi (bò, dê, cừu) còn chuyển dần sang mô hình chăn nuôi bán thâm canh và chăn nuôi trang trại, gia trại... Toàn huyện hiện có trên 50 trang trại với hơn 14.360 con gia súc (dê, cừu, bò) tập trung nhiều nhất ở các xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu. Ngoài ra phụ nữ nghèo đồng bào Chăm còn được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để chăn nuôi bò, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, với tổng kinh phí 45 tỷ đồng/2.738 hộ...
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng được tạo điều kiện phát triển nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Theo lãnh đạo Huyện ủy cho biết, từ năm 1992 đến nay các làng nghề truyền thống trong đồng bào Chăm được khôi phục và phát triển. Hạ tầng kỹ thuật làng nghề được Nhà nước quan tâm đầu tư với kinh phí 26,4 tỷ đồng, trong đó: làng nghề gốm Bàu Trúc 9,3 tỷ đồng; làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp: 11 tỷ đồng; làng nghề dệt thổ cẩm Chung Mỹ 6,1 tỷ đồng. Ngoài ra Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho 37 hộ vay vốn để phát triển làng nghề, với tổng vốn dư nợ trên 2,02 tỷ đồng… Đến nay trên địa bàn huyện có 9 HTX trong đồng bào Chăm. Các HTX chủ yếu kinh doanh, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh có lãi, đặc biệt có HTX Hữu Đức được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, là một trong những HTX điển hình tiêu biểu trong chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, dịch vụ làm ăn có hiệu quả.
Học sinh dân tộc Chăm Trường TH Hiếu Lễ, xã Phước Hậu. Ảnh: Thanh Long
Chương trình xây dựng nông thôn mới được chú trọng đúng mức. Đến nay, 100% xã có đồng bào Chăm đã hoàn thành đồ án và đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Bằng nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế đời sống của đồng bào Chăm trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên. Nếu năm 1992, số hộ nghèo trong đồng bào Chăm chiếm 21,5% thì đến năm 2002 đã giảm còn 15%.
…Đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần
Những năm qua cùng với chú trọng phát triển kinh tế, Ninh Phước còn đặc biệt quan tâm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong huyện nói chung và vùng đồng bào Chăm nói riêng. Từ năm 1992 đến nay, để phục vụ đời sống dân sinh, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình như mạng lưới điện quốc gia được phủ kín 100% trong vùng đồng bào Chăm; xây dựng 11 công trình nước sinh hoạt đáp ứng trên 90% hộ dân, hệ thống giao thông nông thôn được bê-tông hóa trên 132 km, xây dựng 7 trạm y tế, 21 trường học, 3 chợ và 7 nhà văn hóa ... trị giá hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó việc đầu tư sửa chữa Đền, Tháp của đồng bào Chăm được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức nhằm phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào Chăm. Một trong những thành quả nổi bật nữa là về lĩnh vực giáo dục, đến nay hầu hết các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đều có trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông được xây dựng khang trang. Chỉ tính đến năm học 2011-2012, học sinh đồng bào Chăm ở các cấp học có trên 10.660 em, trong đó: mẫu giáo 806 em, TH có 4.751 em, THCS có 3.205 em, THPT có 1.904 em. Học sinh con em đồng bào Chăm ngoài chương trình phổ thông còn được học chữ Chăm ở 14 trường tiểu học... Qua khảo sát, thống kê, đến nay trong đồng bào Chăm có 48 người có trình độ trên đại học, 138 đại học, 217 cao đẳng và 368 trung cấp.
Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh trong vùng đồng bào Chăm, đã xuất hiện nhiều mô hình khuyến học, khuyến tài hoạt động có hiệu quả. Đến nay trong đồng bào Chăm có 47 dòng họ khuyến học, khuyến tài, đã hỗ trợ con em học tập đến nơi, đến chốn. Tiêu biểu như các xã Phước Thái, Phước Hữu và thị trấn Phước Dân.
Lĩnh vực y tế ngày càng chuyển biến rõ nét. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trên địa bàn huyện nói chung và trong đồng bào Chăm nói riêng được quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện nay trên địa bàn huyện ngoài Trung tâm Y tế huyện còn có 1 phòng khám đa khoa khu vực Phú Nhuận và 7 trạm y tế xã, thị trấn có đồng bào Chăm. Đội ngũ y, bác sĩ được quan tâm bồi dưỡng đào tạo. Toàn huyện có 129 bác sĩ, y sĩ, y tá người Chăm, chiếm tỷ lệ 60% so tổng số đội ngũ ngành Y toàn huyện. Các chương trình y tế quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm, phong trào vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh được chú ý thực hiện đạt kết quả. Nhất là phong trào Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được đồng bào người Chăm hưởng ứng, có nơi đã phát động phong trào không sinh con thứ 3 như: thôn Như Bình, xã Phước Thái, thôn Tuấn Tú, xã An Hải... góp phần hạ thấp tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện xuống 1,07%, trẻ em suy dinh dưỡng còn 17,55%...
Khó có thể nói hết về những thành quả mà huyện Ninh Phước đã đạt được qua 20 năm triển khai thực hiện Thông tri 03 của Ban Bí thư Trung ương. Những kết quả đó khẳng định sự đúng đắn về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách đối với đồng bào Chăm; sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong triển khai thực hiện đã thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, nâng cao đời sống trong vùng đồng bào Chăm. Mặt khác, đồng bào Chăm trong huyện đã không ngừng phấn đấu, vươn lên, không trông chờ ỷ lại, luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, đổi mới của Đảng và Nhà nước. Thành quả đó còn là cơ sở để Ninh Phước tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cao hơn Thông tri 03 từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo, đồng thời triển khai tốt Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.
Tuấn Dũng