Hạ tầng tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Lai Châu

Lai Châu cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng về giao thông, điện... nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu, chiều 29/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng là một địa phương có nhiều khó khăn do điểm xuất phát thấp, địa hình núi cao hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng kém phát triển, song với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thời gian qua, Lai Châu đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Nhưng so với yêu cầu đặt ra tỉnh cần phấn đấu, cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tập trung mạnh vào khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để tiếp tục bứt phá vươn lên, thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Năng động, sáng tạo trong khai thác tiềm năng

Trước hết tìm ra các cách làm năng động, sáng tạo trong khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm... đi liền với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến tiềm năng phát triển thủy điện, một ngành kinh tế động lực thúc đẩy phát phát triển kinh tế của Lai Châu nói riêng và của cả vùng nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Lai Châu cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng về giao thông, điện... nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhấn mạnh tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu còn cao (gần 32%), Thủ tướng đề nghị Lai Châu đặc biệt quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững cũng như thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương.

“Chính phủ luôn quan tâm và hỗ trợ Lai Châu vươn lên thoát nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương trên cả nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thu nhập bình quân tăng 1,5 lần

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình Lai Châu sau 9 năm chia tách, thành lập, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng cho biết, tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2004-2012 bình quân 12,3%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2012 đạt 13,84%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 12,1 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010 và tăng 4,7 lần so với năm 2004.

Sản xuất lương thực tăng cao, cơ bản giải quyết được an ninh lương thực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất lúa tập trung. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm 2012 đạt trên 177 nghìn tấn, tăng 1,6 lần so với năm 2004.

Công nghiệp phát triển trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 3,5 lần so với năm 2004, tăng gấp 1,36 lần so với năm 2010.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 tăng 6,4 lần so với năm 2004 và tăng 1,7 lần so với năm 2010.

Hiện tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; đời sống sinh hoạt đồng bào tái định cư được cải thiện một bước.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Lai Châu liên quan đến bố trí vốn đầu tư xây dựng một số tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như tuyến đường nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai với thị xã Lai Châu, cửa khẩu Ma Lù Thàng; tuyến đường Pa Tần-Mường Tè; tuyến đường Mường Nhé-Pắc Ma; tuyến đường Séo Lèng-Nậm Tăm-Tân Uyên;...

Nguồn www.chinhphu.vn