Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế về kết quả 5 năm
thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
5 năm qua, phương thức sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và đời sống của người nông dân tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có sự thay đổi căn bản. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2015 như tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 2,4%/năm, diện tích lúa vượt trên 50.000 ha, sản lượng lương thực đạt trên 30 vạn tấn (chỉ tiêu 25-26 vạn tấn). Sản lượng thủy sản đạt trên 4,63 vạn tấn (chỉ tiêu 2,3-2,5 vạn tấn). Diện tích trồng rừng hằng năm đạt mục tiêu đề ra là 4.000-4.500 ha, độ che phủ rừng đạt 56,74% (chỉ tiêu năm 2015 là 57%).
Ngành nghề nông thôn, dịch vụ phát triển, tốc độ giảm lao động nông nghiệp diễn ra khá nhanh. Đến nay ở khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 52,2%, nhiều khả năng sẽ đạt chỉ tiêu chỉ còn 50% lao động nông nghiệp vào năm 2015. Hiện nay, 81% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Các ngành, nghề đào tạo được căn cứ trên nhu cầu thực tế và điều kiện phát triển của địa phương.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ với 91% diện tích đất sản xuất được làm bằng máy, riêng khâu thu hoạch lúa đạt trên 70%. Cùng với đó, diện tích lúa được tưới tiêu chủ động cũng đạt rất cao, trên 90%.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2011 đạt 14,5 triệu đồng. Vốn tích lũy bình quân của các hộ nông thôn đã tăng gấp đôi so với năm 2006. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm khá nhanh, bình quân đạt khoảng 3%/năm.
Bài học phát huy quyền làm chủ của dân
Báo cáo của tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được lòng tin và sự đồng thuận cao của người dân. Nhiều địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân tích cực hưởng ứng như: hiến đất xây dựng hạ tầng, đóng góp ngày công, tiền đề xây dựng, nâng cấp đường làng, ngõ xóm. Quan trọng hơn, các hộ dân đã tự giác đầu tư sản xuất, cải tạo nhà cửa, giữ vệ sinh môi trường. Hiện nay, bình quân chung của toàn tỉnh đã đạt trên 10 tiêu chí nông thôn mới, ở mức cao so với cả nước.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Ngọc Thiện, bài học thành công hết sức quan trọng rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết về "tam nông" của địa phương chính là từ việc đổi mới, ổn định sản xuất và ưu tiên đầu tư cho con người.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nguyễn Văn Cao, cho biết việc phát huy một cách đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, lấy việc đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân là mục tiêu, động lực của sự phát triển, cùng với đó luôn chăm lo đời sống của nhân dân là những yếu tố tạo ra sức mạnh trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Sau quá trình ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Thừa Thiên-Huế đã xác định rõ những cây, con chủ lực, trên cơ sở đó tập trung thực hiện theo đúng quy hoạch đã phê duyệt. Bên cạnh đó, việc ưu tiên đầu tư hạ tầng cho sản xuất một cách đồng bộ cũng góp phần quan trọng mang lại những kết quả nổi bật trong nông nghiệp.
Thừa Thiên-Huế cũng rút ra bài học kinh nghiệm từ việc phát huy nội lực, gắn phát triển kinh tế với chăm lo các vấn đề xã hội và môi trường.
Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn luôn được xác định vai trò là nguồn sức mạnh cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với các chính sách chung của cả nước, những giải pháp hỗ trợ vùng nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc, các đối tượng chính sách đã góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, tinh thần tương thân, tương ái để vượt qua khó khăn, thách thức, cùng nhau đảm bảo đời sống nhân dân cả trong điều kiện khó khăn nhất.
Mấu chốt vẫn là sản xuất
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá Thừa Thiên-Huế đã bám sát kế hoạch của Trung ương trong việc triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã có chương trình, kế hoạch một cách cụ thể, bài bản. Nhiều chương trình đã được lồng ghép một cách chủ động, quyết liệt, phù hợp, mang lại kết quả tương đối toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng yếu tố mấu chốt mang lại những thành công trong lĩnh vực “tam nông” chính là việc phải ưu tiên phát triển sản xuất.
“Sản xuất là gốc của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từ đó xác định cơ cấu mùa vụ, sản phẩm của từng vùng, gắn kết với toàn tỉnh, với cả nước đã khẳng định hướng đi đúng, cần tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương cần tiếp tục làm rõ để khẳng định những mô hình sản xuất phù hợp, đã được triển khai thành công trong thực tiễn. Từ đó, Trung ương sẽ tiến hành tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong cả nước.
Trong thời gian tới, Thừa Thiên-Huế cần hoàn thiện việc đánh giá quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”. Cụ thể, tập trung vào đánh giá những bài học kinh nghiệm, thành công, thất bại, làm rõ những mô hình hay để kiến nghị với Trung ương.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sản xuất. Trong bối cảnh người dân đã có nhận thức đúng, đầy đủ về nông thôn mới, cần tiếp tục có lộ trình, cách làm phù hợp, kiên trì, bền bỉ, không nóng vội, tránh tình trạng chạy theo thành tích, huy động quá mức nguồn lực từ trong dân.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng và các thành viên đoàn công tác Chính phủ đã nghe, cho ý kiến về báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của Thừa Thiên-Huế.
Phó Thủ tướng cũng đã cho ý kiến giải quyết một số kiến nghị của địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Thừa Thiên-Huế.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
* Sáng 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nguồn www.chinhphu.vn