Phiên giải trình việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm
của cơ quan hành chính Nhà nước. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ một số vụ việc đã được chuyển sang các cơ quan điều tra, nhưng việc xử lý của cơ quan điều tra đến đâu thì chưa được rõ. Bên cạnh đó, nhân dân cũng rất lo lắng với nhiều vụ việc, dư luận không tốt về Kiểm toán Nhà nước hiện nay. Đại biểu đề nghị Kiểm toán nói rõ cho nhân dân được biết về những vấn đề nổi cộm trên của ngành.
Còn đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, lo lắng: Cơ chế giám sát của Quốc hội với Kiểm toán Nhà nước như hiện nay liệu có giám sát được hoạt động của cơ quan kiểm toán hay không?
Cũng về chủ đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga băn khoăn: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, chuyên môn về kiểm toán, góp phần phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua Kiểm toán gần 700 đầu mối là các cơ quan quản lý Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhưng tại sao cơ quan này lại không có kiến nghị nào với Bộ Tài chính về những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đồng thời, nhiều thông tin về tiêu cực của kiểm toán viên làm nhân dân rất bức xúc. Công tác kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu, có phần né tránh. Vậy trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán nhiều nhưng rất ít phát hiện tham nhũng cũng như ý kiến của Tổng kiểm toán về thực trạng tham nhũng trong nội bộ ngành Kiểm toán như thế nào, giải pháp khắc phục ra sao?
Trả lời những ý kiến nêu trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết có việc kiểm toán nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra ít do Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Phòng, chống tham nhũng trước đây có những quy định “vênh” nhau. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vừa qua mới quy định về việc Kiểm toán Nhà nước được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khi nhận thấy dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm toán.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình như công tác phòng ngừa không để xảy ra tham nhũng. Trong 700 cuộc kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 68.000 tỷ đồng sử dụng chưa đúng. Điều này góp phần ngăn ngừa tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước, tổng công ty.
Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn cũng nêu lên những khó khăn của ngành hiện nay là, Kiểm toán chưa có được những bằng chứng đủ cơ sở pháp lý cao để làm rõ hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, đối tượng bị kiểm toán cố ý không cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan kiểm toán... Mặt khác, mỗi cuộc kiểm toán không phải là cuộc điều tra, thanh tra nên kiểm toán viên không được xét hỏi, làm rõ các vấn đề.
Về những dư luận, hiện tượng tiêu cực trong ngành Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn thừa nhận có tình trạng này, tuy nhiên để xử lý cần phải có bằng chứng cụ thể. Tổng Kiểm toán mong được “điểm mặt, chỉ tên” để làm trong sạch đội ngũ.
Tính độc lập của cơ quan thanh tra còn hạn chế
Trả lời về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, nhiều vụ việc qua thanh tra nhận thấy có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật đều chuyển ngay cho cơ quan điều tra mà không chờ phải có kết luận thanh tra. Điển hình như vụ Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng NNPTNT. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố 30 người, trong đó có nguyên giám đốc Ngân hàng này.
Về hiệu quả phòng, chống tham nhũng, theo Tổng Thanh tra, do nghiệp vụ cán bộ thanh tra còn hạn chế nên khả năng phát hiện tham nhũng chưa được tốt. Thậm chí có những vụ việc mà kết luận thanh tra chất lượng không cao, làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý sau thanh tra, đối tượng bị thanh tra cũng không chấp nhận, không tâm phục khẩu phục đối với kết luận thanh tra, dẫn đến việc thực hiện sau thanh tra có nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thẩm quyền và tính độc lập của cơ quan thanh tra còn hạn chế (mới có quyền phát hiện, kiểm tra và kiến nghị chứ chưa có quyền khởi tố, điều tra) nên cũng ảnh hưởng đến kết quả thanh tra đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Về phát hiện tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều sơ hở, chưa rõ ràng, chung chung... Việc phát hiện xử lý người đứng đầu trong địa phương, nội bộ cơ quan luôn gặp sự tránh né, chỉ khi nào thanh tra, kiểm toán vào mới phát hiện và kiến nghị xử lý người đứng đầu.
Phát hiện tham nhũng còn hạn chế
Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng và diễn biến hết sức phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Nhất là ở một số lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, đất đai, khoáng sản, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản…
Trong khi đó, việc phát hiện và xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc phát hiện còn hạn chế, việc tự phát hiện của các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương chưa nhiều. Việc xử lý các vụ án tham nhũng vẫn chậm, có vụ lúc đầu rất rầm rộ nhưng sau xét xử mức án lại thấp, thậm chí thối án… đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần sự quyết tâm, kiên trì, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đề cao trách nhiệm cá nhân, của người đứng đầu, tăng cường minh bạch và đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai thật tốt chương trình, kế hoạch phòng chống tham nhũng. Khắc phục những kẽ hở từ cơ chế xin-cho, phát hiện và xử lý nghiêm tham nhũng ngay trong nội bộ cơ quan mình.
Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị Toà án NDTC, Viện KSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát đối với các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.
Nguồn www.chinhphu.vn