Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã trao đổi, làm rõ và đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Sóc Trăng gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, đặc biệt là những cơ chế, chính sách trong sản xuất lúa, thủy sản.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đạt 8,75%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (8,34%), sản lượng 2 vụ lúa Mùa và Đông Xuân đạt trên 1 triệu tấn (tăng 5% so với cùng kỳ); diện tích nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 45.675 ha, bằng 67% kế hoạch, sản lượng tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 35.300 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.624 tỷ đồng, tăng 5,25% so với kế hoạch.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay trong số 22 xã điểm đã có 17 xã đạt từ 12 tiêu chí trở lên, các xã còn lại đạt từ 10-12 tiêu chí; 48/60 xã không được chọn điểm đã đạt 8 tiêu chí trở lên. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đầu tư gần 403 tỷ đồng từ vốn trực tiếp cho chương trình, vốn lồng ghép từ các chương trình khác và vốn huy động trong dân. Tỷ lệ huy động trong dân chiếm 8,8%, trong khi vốn lồng ghép chiếm đa số (55%).
Tỉnh Sóc Trăng cũng làm tốt công tác an sinh xã hội, các chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Tỉnh đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 729.228 người, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc vùng khó khăn, đối tượng chính sách, người cao tuổi, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đến nay đạt khoảng 65%.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục cập nhật tình hình, diễn biến thị trường để quy hoạch lại sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, làm sao để sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, giảm được chi phí.
Câu chuyện dư thừa gạo thấp cấp, giá quá rẻ, trong khi lại không có gạo ở phân khúc cao cấp, xuất khẩu vào các thị trường khó tính mà Việt Nam và nhiều nước đang phải tìm giải pháp khắc phục là một ví dụ.
“Quy hoạch phải đảm bảo tính liên kết, gắn kết giữa người dân với doanh nghiệp, giữa người dân, giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu giải quyết không tốt, sẽ triệt tiêu động lực, triệt tiêu sức mạnh của nhau”, Phó Thủ tướng nói.
Trong xây dựng nông thôn mới phải kiên trì, bền bỉ, liên tục, không nóng vội chạy theo thành tích. Triển khai thực hiện phải vừa làm điểm vừa làm diện, để mỗi người dân đều nhận thức đây là chương trình vì dân, do người dân làm chủ. Về huy động nguồn lực, phải tích cực lồng ghép, kết hợp nguồn lực. Tỉnh Sóc Trăng cần rà soát lại quy hoạch nông thôn mới ở cơ sở, đặc biệt chú ý đến quy hoạch sản xuất.
Phó Thủ tướng cũng đã cho ý kiến về các đề xuất lập dự án di dời và hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu; đầu tư trang thiết bị bệnh viện đa khoa tỉnh; hỗ trợ các công trình kè chống sạt lở; xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn; xây dựng mô hình thí điểm thủy lợi cấp-thoát nước riêng biệt vùng chuyên canh tôm; tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp, cho ý kiến giải quyết một số đề xuất khác của địa phương.
Nguồn www.chinhphu.vn