Tính đến cuối tháng 5-2013, toàn tỉnh có 385 đối tượng liên quan đến ma túy, tăng 124 đối tượng so với năm 2012, thuộc địa bàn 40/65 xã, phường. Đáng nói, trong số các đối tượng này có cả cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên. Số đối tượng nằm trong lứa tuổi thanh-thiếu niên cũng có chiều hướng gia tăng, trong đó, không ít em chưa đủ 18 tuổi.
Tăng cường đấu tranh phòng, chống ma túy.
Thượng tá Nguyễn Văn Nhang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47 - Công an tỉnh) cho biết: Qua theo dõi, các đối tượng đang có xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp (hay còn gọi là ma túy đá). Loại chất gây nghiện này có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây ảo giác, nguy hại cho sức khỏe và hiện chưa có phác đồ cai nghiện. Tuy nhiên, nhiều đối tượng nhầm tưởng rằng đây là “hàng sạch” và không gây nghiện, đặc biệt là trong thanh - thiếu niên, khi bị rủ rê dùng thử.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát đã điều tra phát hiện 11 vụ, với 47 đối tượng liên quan, trong đó đã hoàn tất hồ sơ điều tra, khởi tố 5 vụ với 11 đối tượng. Đặc biệt, trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy, lực lượng công an các cấp tập trung nắm chắc tình hình địa bàn, triệt phá thành công 3 vụ việc, qua đấu tranh làm rõ nhiều đối tượng có liên quan.
Một đặc điểm của tội phạm ma túy tại tỉnh ta là các đối tượng này thường lợi dụng sự lơi lỏng trong công tác quản lý các nhà nghỉ, khách sạn để hoạt động. Với giá cho thuê khá mềm, chỉ từ 50.000–100.000 đồng/đêm/phòng, các nhóm thanh- thiếu niên thường chọn thuê các nhà nghỉ, khách sạn đóng chân ở khu vực giáp ranh giữa các địa bàn. Cuối năm 2012, lực lượng công an đã bắt giữ nhóm đối tượng gồm 3 nam, 3 nữ (trong đó có học sinh) đang sử dụng ma túy tại một phòng trọ ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải).
Thượng tá Nguyễn Văn Nhang cũng cho biết thêm, công tác quản lý các đối tượng liên quan đến ma túy tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Đa số các đối tượng không được sự quan tâm, quản lý của gia đình, thường xuyên thay đổi chỗ ở và việc làm. Mặt khác, tâm lý e ngại của phần đông người dân khiến các đối tượng phạm tội càng thêm thuận lợi để hoạt động, trong khi những đối tượng sau cai nghiện thì khó hòa nhập cộng đồng, dễ tiếp tục sa ngã.
Là đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, Đoàn Thanh niên đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động, mô hình thiết thực, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Đồng chí Vũ Ngọc Đương, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Các cấp bộ Đoàn đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy trên từng địa bàn khu phố, thôn, xóm, cơ quan, đơn vị, trường học bằng nhiều hình thức sinh động như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thi, hội diễn, diễn đàn thanh niên với chủ đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy - mại dâm- HIV/AIDS... Thông qua “Tháng thanh niên”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”… các cấp bộ Đoàn đã triển khai các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về công tác ngăn ngừa, phòng chống ma túy. Đặc biệt, tổ chức Đoàn đã phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.
Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong thời gian tới, các địa phương, sở, ngành và lực lượng công an tiếp tục duy trì phối hợp chặt chẽ trong các mặt đấu tranh. Hiện tại, tỉnh ta đang thành lập tổ liên ngành (gồm có lực lượng công an, y tế, công thương, hải quan) để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất ma túy… Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần tập trung trực tiếp đến các đối tượng có nguy cơ cao, gia đình và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan đến đối tượng. Đồng thời, công tác giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định là điều hết sức cần thiết.
Bảo Bình