Nhìn lại đề văn truyền thống trong nhiều năm qua đã tạo ra hệ lụy bài mẫu tràn ngập ở sách tham khảo, trên mạng internet, trong tài liệu ôn tập của thầy cô nên học sinh đã hình thành một phương pháp học tập không đúng: học và ôn tập không từ tác phẩm văn học, từ Sách giáo khoa mà từ bài mẫu.
Thí sinh trao đổi bài làm môn Ngữ văn sau buổi thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hội đồng thi
Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Sơn Ngọc
Gần đây, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đại học, Cao đẳng, thi tuyển sinh vào lớp 10, việc ra những đề văn mở đã khá phổ biến, kích thích được suy nghĩ độc lập, độc đáo và sáng tạo của học sinh. Học sinh phải biết suy nghĩ độc lập, học phải hiểu và biết vận dụng kiến thức xã hội vào bài làm của mình, đặc biệt là câu nghị luận xã hội.
Không ngạc nhiên khi những đề văn chạm đến những vấn đề thời sự của giới trẻ như: cố gắng trở thành người nổi tiếng (đề thi môn Văn khối D kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011); “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa” (Trích đề thi môn Ngữ văn khối D, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012); thói dối trá (đề thi môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012)
Trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013, câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam hy sinh để cứu 5 em nhỏ xảy ra ở Nghệ An hồi tháng 5 vừa qua trở thành chất liệu cho đề thi ở câu 2 phần nghị luận xã hội.
Những đề thi môn Văn gắn liền tính thời sự đã thỏa mãn sự kỳ vọng của xã hội khi một bộ phận giới trẻ đang suy nghĩ lệch lạc, sống thiếu lý tưởng, a dua, đua đòi, vô cảm, ích kỷ, hèn nhát... Chính vì vậy một đề thi hay, gần gũi, thời sự sẽ nhắc nhở học sinh về lối sống, lối nghĩ, khơi gợi, hun đúc những đức tính tốt đẹp, đánh động những xúc cảm trong thế hệ trẻ.
Thật ra, đề thi theo hướng mở thì ở tỉnh ta là một trong những tỉnh tiên phong, khi năm 2006, trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 đã ra đề: Trái tim có điều kỳ diệu. Đề thi ấy đã tạo ra làn sóng tranh luận nhiều chiều vì khá mới mẽ vào lúc bấy giờ. Đề thi học kỳ II, lớp 12 năm học 2012-2013 có câu yêu cầu học sinh lập dàn ý và viết phần mở bài cho đề bài: Về việc đội nón bảo hiểm thật, nón bảo hiểm giả khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện (đề của Sở GD&ĐT).
Tuy nhiên những đề văn theo hướng mở như trên trong các kỳ thi của tỉnh là còn ít và không thường xuyên, liên tục thậm chí có xu hướng còn quay trở về với dạng đề truyền thống. Điều đó thể hiện khá rõ trong đề thi môn Văn tuyển sinh vào 10 năm 2013 vừa diễn ra ngày 23/6/2013. Đề gồm 4 câu, trong đó câu 2 kiểm tra kiến thức tiếng Việt (1 điểm), 3 câu còn lại đến 9 điểm, dù yêu cầu kỹ năng khác nhau nhưng cùng hướng đến một nội dung chung là tình cảm gia đình (câu 1 tình mẫu tử qua bài thơ “Mây và sóng” của Ta go, câu 3; suy nghĩ về lòng hiếu thảo, câu 4; tình bà cháu qua một đoạn trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt).
Khi được hỏi về đề thi, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền, thi tại hội đồng THPT chuyên Lê Quý Đôn, chia sẻ: Đề thi vừa sức, không khó với em, chỉ cần ôn tập kỹ, bao quát hết chương trình thì sẽ làm được bài. Tuy nhiên, em khá bất ngờ với câu 4 phân tích đoạn thơ trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, nên làm không tốt câu này”.
Cũng với câu hỏi ấy nhưng với thí sinh Trần Trang Thanh, học sinh trường THCS Lê Hồng Phong thi vào lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, lại có suy nghĩ: câu 3 nghị luận xã hội không hấp dẫn lắm, chúng em mong chờ ở câu này một đề bài mang tính thời sự hơn.
Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh là khâu cực kỳ quan trọng cuối cùng trong cả quá trình đổi mới phương pháp. Đổi mới phương pháp dạy học mà không đổi mới kiểm tra đánh giá hay đề kiểm tra vẫn ra theo kiểu truyền thống thì sẽ phản tác dụng thậm chí cản trở, kéo lùi quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Do vậy đổi mới phương pháp dạy học cùng với đổi mới kiểm tra đánh giá phải là 2 mặt của một vấn đề mang tính đồng bộ và thường xuyên. Và quan trọng hơn, chính điều đó đã trả lại giá trị cho văn học.
Đặng Quang Sơn