Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút hơn 110 tỷ USD

Đến hết tháng 6/2013, các KCN thu hút được 4.665 dự án FDI với tổng vốn 70 tỷ USD, các KKT ven biển thu hút 40 tỷ USD, KKT cửa khẩu được 700 triệu USD vốn FDI.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển KKT, KCN.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Ngày 24/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp với các Ban Quản lý KKT, KCN địa phương nhằm xây dựng, đôn đốc những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các khu vực phát triển tập trung, đặc thù để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho KTXH đất nước.

6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 38 tỷ USD

Hiện cả nước có 289 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên trên 81.000 ha, 15 KKT ven biển với tổng diện tích 698.000 ha, 28 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21/25 tỉnh biên giới đất liền.

Báo cáo từ Thường trực Ban chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, các KCN, KKT đã thu hút thêm 7,9 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm hơn 80% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm của cả nước. Lũy kế đến hết tháng 6/2013, các KCN đã thu hút được 4.665 dự án FDI với tổng vốn 70 tỷ USD, các KKT ven biển thu hút 40 tỷ USD, KKT cửa khẩu được 700 triệu USD vốn FDI.

Bên cạnh đó, các KCN, KKT đã thu hút hơn 14.992 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đến nay đạt hơn 900.000 tỷ đồng với trên 6.000 dự án.

Chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tại các KCN, KKT 6 tháng qua đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2012. Tổng doanh thu đạt gần 38 tỷ USD, tăng 16%, kim ngạch xuất khẩu các DN đạt 23 tỷ USD, xuất siêu 2,55 tỷ USD, đóng góp 45% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đóng góp NSNN gần 30.000 tỷ đồng, tăng 26%. Tổng số lao động lũy kế đến tháng 6/2013 là hơn 2,1 triệu lao động.

Các thành viên Ban chỉ đạo đã tiến hành thảo luận, phân tích những vấn đề nổi lên trong công tác quản lý KCN, KKT hiện nay. Đặc biệt là việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, chính sách để thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, quan trọng, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hoạt động của một số dự án lớn trong các KKT, KCN, xử lý những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến công tác quản lý nhà nước hoạt động của các KKT ven biển, KKT cửa khẩu, KCN.

Cuộc họp đã tiến hành rà soát từng ý kiến, kiến nghị của các địa phương, các BQL và nhà đầu tư về các vấn đề ưu đãi đầu tư như thuế TNDN, thuế NK đối với KKT, chính sách cho cụm công nghiệp; về vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; về môi trường; về cơ chế phân cấp, ủy quyền và chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý cũng như một số cơ chế hình thành các KCN chuyên sâu, Khu hành chính kinh tế đặc biệt,…

Tập trung xử lý từng điểm nghẽn

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của các KKT, KCN thời gian qua, nhất là những kết quả triển khai chỉ đạo từ cuộc họp lần thứ I Ban chỉ đạo với nhiều biện pháp mới, gỡ nhiều vướng mắc cho nhiều KCN, dự án quy mô lớn, quan trọng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, trước bối cảnh nền kinh tế, dòng vốn đầu tư trên thế giới đang có nhiều thay đổi, việc phát triển các KKT, KCN đòi hỏi công tác quản lý phải đổi mới, phù hợp hơn nữa để tạo sức bật, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong phát triển KTXH đất nước.

“Vai trò đầu tàu tích cực của các KKT, KCN đã thể hiện rõ trong tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong tỷ lệ lấp đầy dự án, số liệu thông tin phát triển, quản lý sử dụng lao động và nhất là những cơ chế tạo điều kiện thực sự thuận lợi thu hút được các dự án đầu tư công nghệ cao, quy mô lớn, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cho các ngành phụ trợ”, Phó Thủ tướng phân tích.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành thành viên rà soát từng vấn đề vướng mắc cụ thể đổi với từng dự án, từng KCN, KKT để xử lý riêng và triệt để. Những chính sách chung về ưu đãi, đất đai, Bộ KHĐT có trách nhiệm tổng hợp để BCĐ xem xét, tháo gỡ. Những vấn đề đặc thù như trong phát triển cụm công nghiệp vừa và nhỏ cần được phân tích, trình ban hành những chính sách định hướng phù hợp.

Đối với một số vấn đề vướng mắc, điểm nghẽn mà các Ban quản lý tổng hợp, phản ánh tại các dự án, địa phương, Ban chỉ đạo tổ chức các Đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị BCĐ có biện pháp xử lý, tháo gỡ cho DN.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về chủ trương sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong phát triển KCN, việc phân cấp ủy quyền, nâng cao vai trò các BQL, chủ trương hình thành các KCN chuyên sâu, các dự án nông nghiệp công nghệ cao; chỉ đạo xiết chặt vấn đề quản lý bảo vệ môi trường tại các KCN, cơ chế nhà ở cho công nhân,…

Nguồn www.chinhphu.vn