Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm như Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng là tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Quá trình hình thành và phát triển thị trường lao động đòi hỏi Nhà nước cần phải quan tâm đầy đủ vấn đề quan hệ việc làm trong khu vực có quan hệ lao động và toàn bộ nguồn nhân lực có khả năng lao động, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Hiện nay, mới có khoảng 33% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết, nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.
Thảo luận về dự án Luật Việc làm, các ĐB tập trung cho ý kiến về chính sách hỗ trợ tạo việc làm; về thông tin thị trường lao động; về chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Cân nhắc mở rộng đối tượng bảo hiểm thất nghiệp
Cho ý kiến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng: Luật Việc làm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm việc làm của người lao động có quan hệ lao động và việc làm của người lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ điều chỉnh người lao động có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 lao động trở lên, nên trong thời gian tới, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã là một bước đột phá lớn.
Mặt khác, ĐB cho rằng, khi mở rộng đối tượng như vậy, cùng với việc bổ sung thêm chế độ hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để duy trì việc làm cũng như điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ, đào tạo, tư vấn đối với người lao động theo hướng mở thuận lợi hơn, thì vấn đề bài toán về quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được xem xét kỹ nhằm cân đối thu chi trong điều kiện kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước giảm đi.
“Hiện nay, đối với gần 66% lao động không có quan hệ lao động thì các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa có đủ nhân lực và công cụ để quản lý và kiểm soát được về mặt thu nhập, việc làm mà mới chỉ kiểm soát được về mặt cư trú, nên việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này là điều khó khả thi” – ĐB Lê Thị Yến nói.
Vì vậy, ĐB đề nghị, trong dự thảo Luật, chỉ nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là phù hợp. Đối với người lao động không có quan hệ lao động, tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nên quy định trong Luật mà giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thí điểm thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào quy định trong Luật này.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, dự thảo lần này mở rộng ra với lao động có giao kết lao động từ đủ 36 đến dưới 12 tháng đã là bước đột phá. Tuy nhiên, ĐB đề nghị, nếu mở rộng thêm đối tượng lao động không có quan hệ lao động thì Ban soạn thảo nên cân nhắc thêm, vì hiện chưa rõ quy định này như thế nào, trong khi quy định khung thì người lao động sẽ thấp thỏm chờ đợi.
ĐB Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định) cũng cho rằng, cần phải xem xét đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động không có quan hệ lao động và nên chăng, trước mắt chỉ tham gia bảo hiểm thất nghiệp giống như là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện hành.
Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng được ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) quan tâm. ĐB cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định. “Thực ra, vấn đề này đã được áp dụng và dành cho bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trên thực tế còn vô cùng khó khăn. Số người tham gia chưa nhiều. Không hiểu đối với bảo hiểm thất nghiệp sẽ làm thế nào. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.” – ĐB Trần Thị Hiền đề nghị.
Cần thiết đánh giá kỹ năng nghề
Bày tỏ tán thành việc cần thiết quy định nội dung này trong Dự thảo Luật Việc làm, nhưng ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) băn khoăn: Đánh giá kỹ năng nghề chỉ là một hoạt động kiểm định, nó không phải là cứu cánh trong việc bảo đảm cho nghề nghiệp bền vững. Vì vậy, để có thể bảo đảm tác động của chính sách này đến việc tạo điều kiện cho người lao động về việc làm, ĐB kiến nghị, dự thảo cần tiếp tục quy định rõ về đối tượng tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; đồng thời, làm rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động trong tham gia cấp chứng chỉ nghề quốc gia.
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cũng đồng ý đưa nội dung đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong dự thảo Luật Việc làm là hợp lý. Tuy nhiên, ĐB cũng cho rằng, việc đánh giá cấp chứng chỉ, kỹ năng nghề quốc gia không dễ thực hiện trong thực tiễn, cần phải sửa đổi cho phù hợp. Do vậy, ĐB nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị quy định nội dung này trong Luật Việc làm, vì đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với chính sách việc làm và thị trường lao động.
ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, việc đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề của người lao động đối với một ngành nghề nhất định. Điều này đã được thực hiện khá phổ biến ở các nước có trình độ chuyên môn hóa kỹ năng nghề cao như: Nhật Bản chẳng hạn.
ĐB Trần Hồng Thắm cũng cho rằng, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề chuyển từ Luật Dạy nghề sang Luật Việc làm là hợp lý, vì đây là hoạt động hỗ trợ cho người lao động thuộc phạm vi thị trường lao động, làm tăng cơ hội tìm việc làm cho người lao động và là cơ sở cho người sử dụng lao động bố trí việc làm phù hợp cho người lao động. Do vậy, ĐB đề nghị, bổ sung cụm từ "tăng cơ hội" vào Khoản 2, Điều 21 thành: Người lao động được đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để tăng cơ hội tìm công việc phù hợp và hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân, nhằm tăng tính khả thi của quy định này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam