Theo Tờ trình của Chính phủ, ngay sau khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) có hiệu lực thi hành, việc triển khai THTK, CLP đã thu được kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực.
Từ 2006 – 2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng. Từ năm 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm hoặc để hoang hóa, khai thác không hết công năng hoặc sai mục đích. Một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để lãng phí. Quy hoạch “treo” vẫn còn ở nhiều địa phương gây lãng phí lớn nhưng chậm được khắc phục.
Mặt khác, các quy định về THTK, CLP tại Luật hiện hành còn chung chung, dàn trải và trùng lắp, chưa bao quát, thể hiện được rõ nội hàm về THTK, CLP trong các lĩnh vực.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật THTK, CLP nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; hoàn thiện thêm cơ chế phát hiện và đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) bao gồm 5 chương và được chia thành 76 Điều quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về công khai trong THTK, CLP; giám sát THTK, CLP; xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí; các hành vi gây lãng phí; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm soát chi của kho bạc nhà nước về THTK, CLP; khen thưởng, bồi thường thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra trong THTK, CLP.
Lãng phí lớn nhất là thời gian
Theo ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận): Hiện nay ở nước ta lãng phí không kém gì tham nhũng, nhưng chế tài chưa được quan tâm đúng mức. ĐB Kỳ cho biết, tham nhũng thì có chủ thể cụ thể, có thể quy ra tiền để truy tố, xét xử còn lãng phí thì vô cùng, không định lượng được. ĐB Kỳ dẫn chứng việc lãng phí trong các lễ khởi công, lễ hội, các hội nghị...
Tuy nhiên, theo đại biểu Kỳ, có một lãng phí rất nghiêm trọng là lãng phí thời giờ làm việc, mà lãng phí này không thể quy ra tiền được. “Thực tế, nhiều bộ, ngành, hội, ban làm không hết việc, nhưng ngược lại có những ban, hội không viết nổi một báo cáo cuối ngày. Điều này liên quan đến cơ chế tổ chức, bộ máy hành chính” – ĐB Kỳ nói.
Theo đó, ĐB Thế Kỳ kiến nghị, các cơ quan chức năng của Đảng, Chính phủ cần nghiên cứu bố trí lại hệ thống bộ máy tổ chức cán bộ như sáp nhập lại các cơ quan để giảm “phình” bộ máy các cơ quan trung ương trong khi nhiều việc dồn hết cho thôn, xã.
Đồng tình với ĐB Kỳ, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận định: Tình trạng lãng phí thời gian cũng không kém phần nghiêm trọng, trong nhiều trường hợp yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc nhưng chúng ta ít quan tâm. Chẳng hạn, trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình có thể thi công 3 ca để rút ngắn thời gian mang lại hiệu quả nhưng trong quy chế đấu thầu lại không xem là điều kiện quan trọng do quá chú trọng đến yếu tố giá cả kéo dài nên xảy ra tình trạng bỏ thầu tắt để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí. Trong lĩnh vực hành chính, tình trạng quan liêu về thủ tục khiến nhiều dự án mắc lại, kéo dài thời gian làm mất cơ hội của các doanh nghiệp. “Đây là hình thức khá phổ biến nhưng chưa được quan tâm” – ĐB Nam nêu rõ.
Trong khi đó, ĐB Phạm Thanh Hổ (Phú Yên) cũng chỉ ra: Lãng phí lớn nhất là thời gian, khó định lượng được những hậu quả lại rất lớn, không lấy lại được.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, thất thoát, nhiều ý kiến cho rằng, lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là đưa ra các quyết định gây lãng phí, như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác. Do vậy, trong Luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm.
Cho ý kiến về nội dung này, ĐB Nguyễn Minh Long (Bắc Giang) nhấn mạnh: Cần bổ sung quy định về THTK, CLP trong ban hành cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan soạn thảo tham mưu đề xuất và cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách quyết định đầu tư, ban hành các tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí thì phải bồi thường, kể cả tổ chức, cá nhân thực hiện sai tiêu chuẩn định mức thì cũng phải bồi thường.
Đồng thời, phải có quy định cụ thể nhằm định lượng mức độ vi phạm, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. ĐB Minh Long lý giải, nếu cơ chế chính sách khi ban hành không phù hợp thì quá trình triển khai thực hiện sẽ gây lãng phí lớn, trong nhiều trường hợp không lượng hóa được sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Vì vậy, theo ĐB Minh Long, cần quy trách nhiệm người đứng đầu, qua đó nâng cao hiệu quả trách nhiệm, điều hành các hoạt động xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí xảy ra trong thời gian qua. “Đây là vấn đề được cử tri và các ĐB Quốc hội đặc biệt quan tâm trong lần sửa đổi Luật lần này” - ĐB Long nói.
ĐB Phạm Thanh Hổ (Phú Yên) cũng cho rằng, cần xác định cụ thể hơn, rõ hơn về mức độ như thế nào được coi là lãng phí, ở mức độ bao nhiêu thì xử lý trách nhiệm thế nào. Đồng thời cần qui định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tránh tình trạng qui trách nhiệm tập thể một cách chung chung, khó xử lý.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) chỉ rõ: Nếu chế tài chỉ theo hướng đặt ra, nhưng chưa chỉ ra được hành vi cụ thể, mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm thẩm quyền và xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, ĐB đề nghị có một chương riêng về xử lý vi phạm và có chế tài cụ thể.
“Để chống lãng phí hiệu quả, một trong các điều kiện qui định là hành vi lãng phí phải được định lượng cụ thể, lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí nghiêm trọng thì phải xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự” – đại biểu Trần Văn Tấn nhấn mạnh.
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội với 89,76% số phiếu tán thành./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam