Tăng cường các biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng

Sáng 14/6, giải trình trước Quốc hội về tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế kéo dài, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng có những khó khăn nhất định do đối tượng điều tra là những người có chức vụ, quyền hạn, cũng có nhiều thủ đoạn che dấu tội phạm, xóa dấu vết, chứng cứ; thông thường phát hiện chậm sau khi tội phạm phạm tội nhiều năm gây khó khăn cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, do pháp luật quy định thời hạn điều tra nhưng không quy định thời hạn giám định cho nên dẫn đến nhiều vụ án hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định nên chưa thể kết thúc vụ án được.

Việc giám định các tài liệu như: kế toán, kiểm toán chuyên ngành xây dựng... thường kéo dài, chi phí lớn, một số cơ quan trưng cầu giám định né tránh thực hiện giám định các vụ án này. Hay việc điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài cũng khó khăn vì hiện nay chúng ta chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác, về luật pháp, Bộ trưởng cho biết, trong quy định Bộ luật hình sự (BLHS), Chương 21 có rất nhiều tội danh cần cụ thể hóa như: thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... dẫn đến khó khăn trong việc vận dụng thống nhất đánh giá tài liệu, chứng cứ tiến hành các tội danh đưa ra xét xử.

 

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Bộ trưởng cũng tỏ ra đồng tình với Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình khi cho rằng, một trong các lý do dẫn đến các vụ án tham nhũng, kinh tế kéo dài là do các vụ án này liên quan đến thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể, có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra, VKSNDTC giám sát, sau khi quyết định đưa ra truy tố thì theo quy định đối với mức án tù thấp phải chuyển cho tòa án cấp dưới xét xử. Theo quy định, sau khi chuyển cho Tòa án, Viện kiểm sát cấp dưới trong vòng 1 tháng phải đưa ra xét xử. Chính vì thế, kiểm sát viên, Thẩm phán tòa án cấp dưới trong vòng chỉ có 1 tháng phải tiếp cận hồ sơ nên nghiên cứu chưa kỹ, chưa sâu, dẫn đến đưa ra xét xử, đối tượng phản cung, tranh tụng, tranh luận gặp nhiều khó khăn dẫn đến phải trả lại điều tra tiếp, hoặc thời gian kéo dài.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng này, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án tăng cường các biện pháp để thúc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án này. Trong khi chờ Quốc hội sửa BLHS, Bộ Công an đã phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án có hướng dẫn thi hành các điều luật quy định trong BLHS để xác định thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...

Về vấn đề triển khai Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 (Nghị quyết 37), Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh đây là Nghị quyết quan trọng. Chính vì vậy, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ có kế hoạch triển khai thực hiện. Về phía Bộ Công an đã có kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu để nâng cao chất lượng giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kết quả điều tra, xử lý các vụ án.

Theo đó, đã đề ra một số nguyên tắc cơ bản trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm:

Trước hết, tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm phải tuân theo quy định pháp luật, không vì bất cứ lý do gì từ chối việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm. Khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, cá nhân, đơn vị tiếp nhận không được tiết lộ nội dung tiếp nhận lên cơ quan không có thẩm quyền; đồng thời có trách nhiệm trả lời các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin hoặc tố giác, giữ bí mật và hướng dẫn người, tổ chức tố giác cách thức giữ bí mật những thông tin đã cung cấp, tố giác.

Trong trường hợp xét thấy cần thiết, cơ quan tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo tội phạm có trách nhiệm áp dụng, đề nghị các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, nhân phẩm cho người tố giác và người thân của họ. Mọi trường hợp không làm hoặc làm trái về quy định tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm đều bị xử lý theo pháp luật.

Trên cơ sở này, Bộ Công an đã hướng dẫn toàn lực lượng CAND thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Bộ trưởng thông tin thêm, trong gần 6 tháng đầu năm 2013, đã tiếp nhận 56.186 tin báo tố giác tội phạm của tổ chức, cá nhân; đã xử lý, xác minh, kết luận 46.321 tin tố giác, đạt 82,5 %, trong đó có 43. 570 tin báo, tố giác có thông tin, hành vi dấu hiệu vi phạm pháp luật, còn lại đang xác minh kết luận.

Bộ trưởng nêu rõ: Để triển khai nghiêm túc Nghị quyết này, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá việc triển khai bước đầu tin tố giác tội phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để ban hành các quy định cụ thể hóa việc tiếp nhận xử lý các tin tố giác tội phạm.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn phạm tội, các vụ việc xảy ra để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa, nhận biết các hành vi phạm tội, kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng; tăng cường bảo đảm lực lượng, phương tiện trong công tác tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác tội phạm; tiếp tục thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời; tham mưu Chính phủ ban hành chính sách pháp luật, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tự giác, tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm.

Về thi hành án tử hình, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, căn cứ vào Luật thi hành án hình sự (THAHS), Bộ Công an đã khẩn trương triển khai việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, đã ban hành các quy trình, tập huấn trong đội ngũ THAHS trong lực lượng CAND và QĐND, xây dựng 5 cơ sở để thi hành án tử hình ở 5 khu vực trong cả nước. Nhưng theo Bộ trưởng, khó khăn là chưa có thuốc độc để thi hành án, do Nghị định 82 ngày 16/9/2011 của Chính phủ phải nhập thuốc đó tại nước ngoài nên chưa thể thi hành được.

Bộ trưởng cho biết: Vừa qua, để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các ngành chức năng liên quan kiến nghị với Chính phủ ban hành Nghị định 47 ngày 13/5/2013 thay thuốc đó bằng nguồn thuốc sản xuất trong nước và Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 27/6/2013. Ngay sau đó, Bộ sẽ tiến hành ngay việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam