Tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Tiếp công dân khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay bởi chưa gắn hoạt động tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân.

Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Sáng 11/6, ngay sau khi thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tiếp công dân.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật gồm 10 chương với tổng số 61 điều. Dự thảo Luật đã đưa ra những quy định mang tính khái quát chung về việc tiếp công dân như: Mục đích, nguyên tắc, việc tổ chức hoạt động tiếp công dân, một số khái niệm, thuật ngữ được sử dụng thường xuyên trong Luật và các hành vi bị nghiêm cấm.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; trụ sở tiếp công dân; hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị... là những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Đánh giá tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta, song ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, thời gian qua, hoạt động này còn mang tính hình thức. Đại biểu chỉ ra hàng loạt những yếu kém, bất cập trong công tác tiếp dân như: Việc tiếp công dân chủ yếu theo định kỳ; tiếp công dân chưa gắn với việc xem xét, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của công dân; quá trình hoạt động tiếp công dân chưa đảm bảo tính pháp lý; thiếu sự phối hợp, kế thừa thông tin trong việc tiếp công dân dẫn đến việc hướng dẫn, trả lời công dân thiếu thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan tiếp dân và người dân bức xúc; cán bộ tiếp dân ở một số nơi còn biểu hiện quan liêu, hách dịch…

Chỉ ra những bất cập trên, ĐB nhấn mạnh, dự án Luật Tiếp công dân cần quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân. Tiếp công dân phải gắn với quy trình xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; đồng thời, phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân.

ĐB Hồ Thị Thủy đánh giá, những nội dung trên đây chưa được dự án Luật làm rõ, chưa giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn. ĐB phân tích: “Nếu tiếp công dân chỉ là việc đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận thì ai thực hiện cũng được, có cần thiết phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hay không?”

Cũng theo đại biểu, nếu tiếp công dân chỉ là lắng nghe phản ánh, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thì không nhất thiết phải quy định cứng là mấy ngày trong một tháng. Khi công dân có yêu cầu phản ánh khiếu nại thì người đứng đầu có thể ủy quyền hoặc cử người tiếp công dân.

“Mục đích của tiếp công dân là gì xác định rõ hơn trong Luật” – ĐB Hồ Thị Thủy đề nghị.

Cũng theo ĐB, không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước vì các tổ chức này không trực tiếp tham gia quản lý nhà nước.

ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cho rằng, trong thời gian qua, tất cả các tụ điểm tiếp dân của các cơ quan nhà nước chủ yếu thực hiện hai phần việc: Tiếp nhận nghiên cứu các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiếp nhận các kiến nghị của công dân đối với nội dung xây dựng nhà nước. Để thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ này, ĐB đề nghị tổ chức thực hiện tốt hơn các chế định đã có về khiếu nại, tố cáo và có thể ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn quy trình tổ chức thực hiện tiếp nhận những kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác xây dựng nhà nước pháp quyền.

Đại biểu Sơn Hà cũng nêu thực tế, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã xử lý 13.860 đơn thư, trong đó chỉ có 750 đơn là kiến nghị phản ánh. Như vậy, chủ yếu người dân đến các trụ sở tiếp dân là để khiếu nại, tố cáo; còn đưa kiến nghị vào phản ánh là rất ít.

Từ đó, ĐB cho rằng, chỉ cần ban hành văn bản dưới luật quy định trình tự thủ tục và trách nhiệm của người dân cũng như người tổ chức tiếp công dân thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận những kiến nghị của công dân đối với Nhà nước.

Bàn về trụ sở tiếp công dân, nhấn mạnh quan điểm “cần ban hành điều này với nguyên tắc không phát sinh về tổ chức, không tăng thêm biên chế”, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích đầy đủ và thuyết phục hơn về việc quy định trụ sở tiếp công dân có chức năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý của một tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Nên chăng chỉ nên quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất của trụ sở, nơi tiếp công dân, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở tiếp công dân, trách nhiệm quản lý trụ sở tiếp công dân cũng như một số nguyên tắc để xây dựng nội quy của trụ sở, nơi tiếp công dân; còn việc tiếp công dân phải do người có thẩm quyền được các cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân phân công thực hiện.

Tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân, song ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều khoản chưa chặt chẽ, chưa giải quyết được những vướng mắc đang đặt trong thực tiễn.

ĐB dẫn chứng, dự án Luật mới tập trung vào giải quyết vấn đề đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chứ chưa chú ý đúng mức với việc gắn hoạt động tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, trong khi đây là mục đích chính của việc tiếp công dân, cũng là mục đích chính của người dân khi đến trụ sở tiếp dân. Trên thực tế, nếu người có thẩm quyền giải quyết luôn khiếu nại, tố cáo của người dân thì sẽ giảm bớt được nhiều đơn thư khác.

“Trong Luật này cũng cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác” – ĐB đề nghị.

Về trụ sở tiếp công dân, ĐB Ma Thị Thúy đề nghị, cần xác định rõ trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam