Đặc biệt, chính sách hỗ trợ toàn bộ mức đóng cho người cận nghèo sinh sống ở 62 huyện nghèo và những hộ mới thoát nghèo được Thủ tướng quyết định đã tạo cơ hội cho gần 700 ngàn người tham gia BHYT.
Khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN
Theo thống kê, năm 2011 có 118,4 triệu lượt người khám chữa bệnh bằng BHYT (ngoại trú 105,5 triệu lượt, nội trú 12,9 triệu lượt); tỷ lệ khám chữa bệnh tại tuyến huyện xấp xỉ 43%; tần suất khám chữa bệnh bình quân 2,02 lượt/người/năm. Năm 2012, ước tính có 121 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng gần 2,6 triệu lượt so với năm 2011. Nhiều loại dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn theo danh mục của Bộ Y tế quy định (can thiệp tim mạch, mổ tim hở, thay ổ khớp nhân tạo, phẫu thuật bằng dao gamma, PET/CT…) đã được BHYT chi trả.
Các thuốc điều trị, bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc đông y, thuộc phạm vi chi trả từ quỹ BHYT dựa trên danh mục thuốc do Bộ Y tế ban hành đã đáp ứng được nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, danh mục thuốc tân dược gồm 1143 hoạt chất, 57 hoạt chất phóng xạ; danh mục thuốc đông y và các vị thuốc y học cổ truyền gồm 127 chế phẩm thuốc và 300 vị thuốc. Dựa trên các danh mục này, các bệnh viện lựa chọn thuốc cụ thể để đấu thầu mua sắm và sử dụng cho người bệnh (thực tế đã có tới hơn 20 ngàn tên thuốc cụ thể được các bệnh viện mua sắm và thanh toán BHYT).
Đối với nhóm thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép, quỹ BHYT thanh toán 50% chi phí đối với các thuốc ngoài danh mục cho đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi và người tham gia BHYT liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT và tiến tới BHYT toàn dân, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” với mục tiêu chính là: Mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT trên cả 3 phương diện: tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế; đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững...
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN