GIẢI BÁO CHÍ BÁO NINH THUẬN NĂM 2013 - "NGƯỜI THẦY TRONG TÔI":

Nhớ ơn người gieo hạt

(NTO) Trong cuộc đời chúng ta, từ lúc thơ ấu cho đến trưởng thành, chắc chắn ai cũng từng có một thời là học trò. Nếu không là học trò phổ thông thì ít ra cũng là học trò nối nghiệp của một ai đó. Đã vậy thì ai cũng có một tấm lòng biết ơn vô hạn đối với những người từng đã dạy dỗ chúng ta - thầy, cô giáo.

Đó là những người ươm mầm xanh, vun trồng và chăm sóc để cây lớn lên cho đời nhiều quả ngọt. Với công lao to lớn ấy, chúng ta mỗi ngày được lớn khôn lên, vững vàng hơn trong mỗi bước đi và thành công trong sự nghiệp sau này. Các thầy, cô giáo chính là những người đã từng nâng bước, chắp cánh cho chúng ta bay cao, bay xa đến vùng trời mơ ước. Họ đã thắp sáng và vun đắp trí tuệ cho chúng ta bằng những ngọn lửa nhiệt huyết từ chính trái tim bao la nhân ái của mình. Vậy nên, cho dù chúng ta có đi bất cứ nơi đâu, có ở xa tận phương trời nào, hay sự nghiệp có thành đạt đến đâu thì ai cũng luôn nhớ đến công ơn đối với các thầy, cô giáo của mình. Hình ảnh của họ luôn mãi là những hình tượng cao đẹp khắc sâu trong tim và tâm hồn của mỗi chúng ta.

Là một giáo viên dạy mỹ thuật nhiều năm, tôi cũng từng một thời là học trò của những thầy, cô giáo. Từ tiểu học cho đến trung học phổ thông, rồi trung cấp cho đến đại học, thầy cô nào tôi cũng nhớ, cũng vô cùng kính trọng và biết ơn, trong đó những người có ảnh hưởng tốt đẹp nhất đến cuộc sống và sự nghiệp của tôi là cô Tôn Nữ Tường Hoa và thầy Nguyễn Khoa Nhy, nguyên là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Vợ chồng thầy cô đều là những nhà sư phạm, là những họa sĩ thành đạt và có danh tiếng trong tỉnh. Đến giờ tôi vẫn vô cùng biết ơn, quý trọng và giữ mãi trong lòng những hình ảnh tốt đẹp nhất về thầy và cô.

Nhớ buổi học đầu tiên, được cô Tường Hoa dạy vẽ hướng nghiệp ở Trường THPT Nguyễn Trãi. Thời đó, cô được mời về dạy mỗi tuần một buổi cho những học sinh có năng khiếu vẽ, để định hướng vào các trường mỹ thuật hoặc kiến trúc. Tôi là một trong số đó. Lúc ấy tôi mơ ước sau này mình sẽ trở thành một kiến trúc sư hoặc một họa sĩ vẽ lụa. Tôi học và tiếp thu nhanh những gì cô dạy. Không chỉ dạy kiến thức hội họa mà cô còn dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, quan hệ ứng xử với nhau sao cho phải đạo. Bởi lúc ấy lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng còn khờ dại. Cô bảo: “Đầu tiên người học vẽ cần phải có đam mê, sáng tạo, vẽ càng nhiều càng lên tay”, cô còn nói: “Khi vẽ khá rồi thì phải luôn khiêm tốn, không được tự mãn”… Những lời quý giá ấy tôi luôn mãi ghi nhớ trong tâm trí suốt cuộc đời mình.

Trước khi thi vào đại học, tôi rất lo âu vì thời gian học vẽ không nhiều, cũng không biết cách thức thi như thế nào nữa... Cô đã thấu hiểu điều đó nên đã tạo điều kiện cho tôi được vào luyện chung với lớp Sơ cấp cô đang dạy có người ngồi mẫu ở Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tự tin hơn để vài ngày nữa vào đọ sức với các bạn thành phố. Nhưng đúng là cái gì đầu tiên cũng đều quá khó khăn, cố lắm nhưng tôi vẫn không đạt được kết quả như mình mong muốn. Dù sao tôi vẫn biết ơn cô lắm, vì cô đã hết lòng giúp đỡ tôi luyện thi năm đó tận tình.

Biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nên thầy Khoa Nhy (lúc ấy đang giảng dạy ở Trường Sư phạm cấp II Thuận Hải) khuyên tôi nên đăng ký thi vào học luôn khóa sư phạm của tỉnh. Chính nhờ thầy và cô đã từng hướng dẫn và rèn luyện kỹ năng cho tôi, nên năm ấy tôi đã đỗ vào Trường Sư phạm cấp II  Thuận Hải, khóa 11 với số điểm rất cao.

Vào học sư phạm, tôi được học vẽ ở cả cô và thầy. Lúc ấy cô dạy môn hình họa và trang trí, còn thầy thì dạy bố cục, lý luận và kiêm công tác chủ nhiệm lớp. Thầy và cô rất quý tôi và rất vui vì lúc ấy tôi là một giáo sinh giỏi nhất lớp. Điểm bài vẽ nào cũng đạt 9 - 10. Sang năm hai (năm cuối) tôi được thầy cô chọn cử đi học lớp Trung cấp Sư phạm Mỹ thuật (cùng với 2 bạn sinh viên khóa 10) ở Trung tâm Văn hóa tỉnh để nâng cao tay nghề. Ở đây tôi lại được thầy cô tiếp tục dìu dắt tận tình, nên cứ cuối mỗi học kỳ tôi đều đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc của lớp.

Rồi thời gian học cũng qua đi, tốt nghiệp xong tôi tình nguyện ra công tác giảng dạy ở huyện đảo Phú Quý. Vì hoàn cảnh gia đình riêng của mình nên tôi phải xa Phan Rang, xa thầy cô, bè bạn. Ngoài đảo ngày nào tôi cũng nhớ và hướng về đất liền, nhớ và lo lắng mẹ già đang nằm bệnh, nhớ và rất biết ơn thầy cô là những người đã nâng đỡ dìu dắt cho tôi vững bước vào con đường sự nghiệp. Những điều được thầy cô dạy bảo, tôi đều lấy đó mang theo làm hành trang cho cuộc sống. Thỉnh thoảng khi về Phan Rang thăm nhà, tôi đều ghé thăm và chúc sức khỏe thầy cô.

Giờ đây, vì lý do nào đó, gia đình thầy cô đã chuyển vào sống ở Sài Gòn. Tôi đã là một nhà giáo dạy vẽ cho biết bao lứa học trò và đã là một họa sĩ vẽ tranh lụa thành đạt. Cho dù không được gần gũi bên thầy cô, hoặc dù tôi có gặt hái nhiều thành quả trong sự nghiệp giáo dục và trong hội họa bao nhiêu đi nữa… tôi vẫn luôn ghi nhớ và giữ mãi tấm lòng biết ơn vô hạn đối với thầy Khoa Nhy và cô Tường Hoa. Cứ mỗi dịp 20-11, lòng tôi lại thổn thức như đang nghe thấy câu hát ai đó văng vẳng bên tai:

Dù mai này khi những lá và hoa

Con hái được trên tay,

Vẫn nhớ mãi ơn người gieo hạt…