Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), đại biểu Nguyễn Thúy An (Phú Thọ) và nhiều đại biểu khác băn khoăn về số liệu báo cáo của Chính phủ có chính xác hay không khi tỷ lệ giảm nghèo năm 2012 là 1,76% và gần đây, tỷ lệ giảm nghèo là 2,3%.
Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo thời gian qua của nước ta là chưa đồng bộ, mới chỉ mang tính hỗ trợ sản xuất ở một khâu sản xuất nào đó và mang tính nhất thời. Cùng với đó, việc xác định cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất với từng đối tượng hộ nghèo đôi khi chưa phù hợp; việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, mô hình làm ăn của các địa phương chưa mang lại kết quả. Ngoài ra, còn một số Bộ, ngành thực hiện chưa triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã làm cho người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Giải trình trước Quốc hội về tỷ lệ giảm nghèo năm 2012 là 1,76% và gần đây, tỷ lệ giảm nghèo là 2,3%, Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tỷ số giảm nghèo, từ Trung ương đến các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo. Theo đó, hàng năm phải rà soát công tác giảm nghèo và báo cáo kết quả cho Hội đồng UBND tỉnh.
Theo tiêu chuẩn giảm nghèo tính từ 1/1/2011, ở nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng; thành thị là 500.000 đồng/người tháng và tổng hợp của các địa phương trong năm qua cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%. Thế nhưng, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng núi Đông Bắc là trên 17%; vùng núi Tây Bắc gần 30%, Tây Nguyên là 15% nhưng Đông Nam Bộ chỉ còn 1,2%. Những con số trên cho thấy, chuẩn nghèo vẫn được tính theo mốc từ ngày 1/1/2011. Tỷ lệ giảm nghèo này chưa bền vững, còn chênh lệch giữa các vùng.
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội về việc dựa vào cơ sở nào để có được tỷ lệ giảm nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, có cơ sở để tính được tỷ lệ giảm nghèo. Đó là năm 2012, mặc dù nền kinh tế – xã hội hết sức khó khăn nhưng kinh phí dành cho giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên. Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo đã được thực hiện như: Khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người nghèo được mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tín dụng, nhà ở, đào tạo nghề...
Ngoài ra, Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội...
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu băn khoăn về số liệu chỉ tiêu việc làm giữa Tổng cục Thống kê với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là khác nhau, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ số liệu người có việc làm mới là hơn 1,347 triệu người, còn số liệu của ngành Lao động là 1,520 triệu người.
Có sự chênh lệch về số liệu việc làm mới giữa Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là do cách tính khác nhau.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Tổng cục Thống kê tính toán theo cách, lấy số liệu việc làm của năm 2012 trừ đi số liệu của năm 2011 thì ra kết quả là 1,347 triệu việc làm mới. Còn cách tính của ngành Lao động là tính theo số liệu việc làm thay thế người nghỉ hưu cũng như số người đi xuất khẩu lao động.
Trước những băn khoăn của đại biểu về số liệu thống kê cho thấy năm qua có hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm đều đặn. Đồng thời, số liệu giữa ngành thống kê và lao động cũng lệch nhau, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng phần lớn doanh nghiệp giải thể có quy mô nhỏ nên việc các cơ sở này đóng cửa ít ảnh hưởng tới thất nghiệp chung, trong khi đó, các dự án mới đều thu hút một lượng lớn lao động.
Hiện phần lớn doanh nghiệp mới thành lập, vừa và nhỏ ở Việt Nam chủ yếu tiếp cận lao động ở khu vực nông thôn chuyển sang. Khi công ty giải thể, phá sản số lao động này quay về làm nông nghiệp.
Mặt khác, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng tuy số doanh nghiệp giải thể và thành lập mới chênh lệch nhau nhưng về quy mô lại khác nhau. Những đơn vị giải thể thường có quy mô nhỏ, chỉ có vài chục đến vài trăm lao động, trong khi những dự án thành lập mới có quy mô lớn hơn nhiều.
Về những chỉ số liên quan đến dạy nghề, sự chênh lệch cũng có sự khác biệt giữa 2 đơn vị. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là vì ngành thống kê nghiên cứu theo phương pháp chọn mẫu, chọn lao động có chứng chỉ. Trong khi đó, ngành lao động lấy số liệu tại các trung tâm dạy nghề, khu công nghiệp...
"Tuy nhiên, với tư cách thành viên Chính phủ, chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến các đại biểu và thời gian tới sẽ thống nhất cách tính toán thống nhất để có thể đưa ra những đánh giá cho phù hợp, chính xác hơn", Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam