Trong chương trình làm việc chiều 29/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (đoàn Hưng Yên) phát biểu tại hội trường.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu Phạm Văn Tam (đoàn Hà Nam), Điểu Krứ (đoàn Đắk Nông) tán thành việc dự thảo luật quy định chi tiết mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho từng bậc học, cấp học, mô hình nhà trường, cơ quan, tổ chức... Cụ thể, Dự thảo đã tách thành các điều khoản riêng biệt quy định chi tiết việc giáo dục QP-AN ở từng cấp học, từ tiểu học, trung học phổ thông đến đại học, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập…
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) đề xuất Luật nên có quy định để du học sinh ở nước ngoài sau khi về nước có quyền và nghĩa vụ học tập các kiến thức về QP-AN.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu cũng đề xuất nội dung chương trình học phải có sự thống nhất, đảm bảo tính liền mạch ở từng bậc học, cấp học.
Không nên quy định cứng
Các đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh), Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng không nên quy định cứng tỉ lệ chương trình học, coi giáo dục QP-AN thành môn học bắt buộc, nhất là ở bậc tiểu học vì sẽ gây quá tải, đồng thời không khả thi do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được.
Ở góc tiếp cận khác, đại biểu Pham Thị Trung (Kon Tum) cho rằng thực tế đã chứng minh học sinh tham gia học kỳ quân đội rất hào hứng, thích thú. Do đó, việc bộ môn này tồn tại trong nhà trường như một môn chính khóa hay môn ngoại khóa không quan trọng bằng cách thức tổ chức, hình thức tổ chức phù hợp với tình hình của địa phương, đặc biệt là cơ sở vật chất, điều kiện thời tiết.
Đại biểu này kiến nghị Dự thảo Luật cần quy định cho phép chính quyền địa phương được quyền tự chủ, cụ thể hóa để phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở khung chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Hội Sinh viên Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, trang bị kiến thức về QP-AN ở các nhà trường. Thực tế cho thấy, thông qua việc tổ chức các hoạt động tập thể, việc phổ biến kiến thức cho học sinh, sinh viên là rất hiệu quả, trong khi đó vai trò của các tổ chức này chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật.
Một số ý kiến đã góp ý, chỉnh sửa nội dung quy định về giáo dục kiến thức QP - AN cho các đối tượng là công nhân lao động, chủ doanh nghiệp, hay các chức sắc tôn giáo.
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần khẩn trương, tích cực ban hành các văn bản hướng dẫn để luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống sau khi được Quốc hội thông qua.
Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Giáo dục QP-AN trong phiên họp ngày 19/6 tới.
Nguồn chinhphu.vn