Quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm

(NTO) Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH), từ ngày 15-3, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.

Qua kiểm tra 35 cửa hàng kinh doanh MBH, phát hiện 31 vụ vi phạm. Trong đó đã xử lý 10 vụ, phạt hành chính gần 10 triệu đồng, tịch thu 142 MBH không có chứng nhận xuất xứ, không có tem hợp quy. Đáng chú ý là Cửa hàng Shop Tùng, 445 Thống Nhất đã vi phạm về chất lượng, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật QCVN2: 2008/BKHCN, cơ quan chức năng đã xử phạt 3,2 triệu đồng.

 
Những chiếc MBH lưỡi trai được lực lượng QLTT tịch thu, chỉ cần va chạm nhẹ là vỡ đôi.

Tại hầu hết các cơ sở kinh doanh MBH đều vi phạm các quy định: nhãn hàng hóa không ghi đủ nội dung bắt buộc; mũ có kiểu dáng giống MBH nhưng không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ; kinh doanh sai nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và MBH do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp… Qua quan sát, những chiếc MBH bị tịch thu, dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm, nhưng khi thử nghiệm chất lượng mũ, hầu hết đều bị biến dạng. Một số MBH (chủ yếu là mũ lưỡi trai) đã “lách” luật bằng cách ghi chỉ dẫn sử dụng là mũ bảo vệ cho người chơi thể thao, không sử dụng cho người đi mô-tô, xe máy. Loại mũ này có lớp mút đệm mỏng, thậm chí chỉ có vỏ nhựa cứng, dễ vỡ khi va chạm nhẹ, người đội cảm giác nhẹ và mát, giá rẻ nên được nhiều người sử dụng khi tham gia giao thông. Tại những cơ sở được kiểm tra, đã tiến hành ký cam kết không kinh doanh MBH giả, nhập lậu, không đạt chất lượng, không có dấu hợp quy (CR), không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, thị trường MBH đã có dấu hiệu tích cực. Khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh MBH tại đường Thống Nhất, Ngô Gia Tự, 21 Tháng 8 (Phan Rang – Tháp Chàm)… thấy các loại MBH thời trang không đạt chuẩn không còn bày bán tràn lan như trước, mũ cho người đi mô-tô, xe máy, xe đạp điện tại các cửa hàng đều có ghi nhãn hàng hóa, dán tem, nhãn chứng nhận hợp quy. Giá cả cũng không có nhiều biến động, một chiếc mũ hợp quy của các thương hiệu như: Osaka, Andes, Honda, Yamaha... từ 100 - 500 nghìn đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT cũng gặp không ít khó khăn. Ông Trần Minh Khoa, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, cho biết: Các loại MBH kém chất lượng được dán tem CR giả, lực lượng chức năng cũng rất khó phân biệt đâu là tem CR giả, thật bằng mắt thường được; những trường hợp này phải thông qua cơ quan kiểm định chất lượng mới khẳng định được. Riêng trường hợp bày bán MBH ở vỉa hè, lòng đường, lực lượng chức năng chỉ tạm giữ MBH và xử phạt hành chính nếu người bán không trình được nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ. Đây là biện pháp trước mắt, còn lâu dài để họ không được chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán MBH thì cần chính quyền địa phương vào cuộc.

Thực tế cho thấy, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng MBH của cơ quan chức năng đã tác động tích cực đến thái độ cung – cầu của người kinh doanh và người sử dụng. Để loại bỏ hẳn các loại mũ MBH kém chất lượng hoặc trà trộn mũ không hợp chuẩn, lực lượng chức năng cần duy trì hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên; hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng MBH đảm bảo chất lượng, đúng quy chuẩn.