Chưa đến giờ tan học nhưng dạo qua một số trường trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm như: THCS Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, TH Mỹ Hương, Bảo An… chúng tôi đều thấy các xe bán hàng rong đã đợi sẵn trước cổng trường. Nắm bắt tâm lý thích ăn quà vặt của học sinh, các chủ hàng rong với đủ các loại đồ ăn, thức uống hấp dẫn như: kem, nước giải khát, trà sữa trân châu, nem, xúc xích rán, bánh bao chiên giòn, trái cây tẩm ớt… sẵn sàng phục vụ. Thấy tôi có vẻ hoài nghi về những lọ tương ớt đã cũ, không còn nhãn mác, hạn sử dụng và những chiếc xúc xích chiên được đặt sẵn lên chiếc bàn nhỏ, không có tủ đựng che chắn… người chủ xe hàng rong trước cổng Trường THCS Võ Thị Sáu, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm nói ngay: Chả sao hết, tôi bán món này bao nhiêu năm, vừa ngon, vừa rẻ, học sinh nào cũng thích mà chẳng thấy ai kêu ca có vấn đề gì.
Hàng rong trước cổng trường vẫn luôn thu hút học sinh.
Chính vì ngon, rẻ và tiện lợi nên nhiều học sinh và cả phụ huynh dễ dàng chấp nhận những đồ ăn, thức uống từ các quán hàng rong mà không chút quan tâm đến vấn đề nguồn gốc, xuất xứ hay có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Chỉ cần một vài ngàn đồng, các em đã có thể có cho mình những món ăn phù hợp khẩu vị…
Thực tế, không ai có thể đảm bảo nguồn gốc, chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những đồ ăn, thức uống được bày bán trước cổng trường. Không chỉ riêng ở tỉnh ta, mà trên cả nước, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo những món ăn hàng rong, không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh tiêu chảy, dịch tả… trong cộng đồng. Điều đáng lo ngại hơn, những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như: xúc xích, nem, chả, tương ớt… được các hàng rong sử dụng tràn lan có thể chứa phẩm màu hóa học, hàn the... vượt mức cho phép, gây hại sức khỏe cho con người.
Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng rong không đảm bảo an toàn, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đều đã thực hiện quy định: Đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua hàng rong, hay tuyên truyền cho các em về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số trường còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương để nhắc nhở, nghiêm cấm việc bán hàng rong trước cổng trường. Không dừng lại ở đó, Trường TH Mỹ Hương, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm còn có Đội An toàn giao thông trực ở cổng trường vào giờ tan học để nhắc nhở học sinh không mua quà vặt trước cổng trường. Để đáp ứng nhu cầu, sở thích của học sinh, Trường THCS Lý Tự Trọng, cho phép mở căn-tin trong khu vực trường. Cô Nguyễn Thị Minh Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tất cả các loại thực phẩm từ đồ ăn nhanh, sữa, bánh kẹo, nước giải khát bán tại căn-tin đều được nhà trường kiểm soát chặt chẽ. Dù không được phong phú như các quán hàng rong nhưng quan trọng là có thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Đây là cách làm hay, hiệu quả mà nhiều trường học trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đã thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, so với căng-tin, những món ăn hàng rong vừa có giá rẻ lại phong phú vẫn luôn hấp dẫn, lôi cuốn các em, đặc biệt vào mỗi giờ tan học. Không ít học sinh chia sẻ rằng, bạn thân các em khi nhìn vào những quán hàng rong cũng tự ý thức được là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng vẫn bị sức hấp dẫn của những món ăn đó. Chị Nguyễn Thanh Thúy, phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Trường TH Phước Mỹ, TP. Phan Rang – Tháp Chàm cho biết: “Ngày nào tôi cũng chuẩn bị bánh kẹo và nước uống để con mang đến trường nhưng nhiều lần con vẫn năn nỉ xin một, hai ngàn đồng để mua các loại nước uống, kẹo có màu sắc sặc sỡ ở các quán hàng rong trước cổng trường”.
Sẽ không có gì đáng lên án, nếu những người buôn bán hàng rong có ý thức sử dụng thực phẩm an toàn và đảm bảo vệ sinh. Nhưng trước khi có được điều đó thì trước hết, các bậc phụ huynh và học sinh phải tự bảo vệ sức khỏe của con em mình bằng cách cẩn thận hơn với những thực phẩm hàng rong.
Bích Thủy