Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có hơn 200 mô-tô độ, chế chuyên dụng trong việc vận chuyển lâm sản trái phép. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Ninh Sơn.
Xe độ, chế được lực lượng kiểm lâm thu giữ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây việc vận chuyển lâm sản từ các vùng rừng về chủ yếu bằng xe bò hay các phương tiện thô sơ khác rất dễ bị các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ, vì vậy để “chủ động” hơn trong việc đưa gỗ trái phép từ các vùng rừng trọng điểm về tiêu thu tại các cơ sở chế biến, các đối tượng đã chuyển sang sử dụng mô-tô độ, chế. Loại xe có đặc tính cơ động nhanh, phù hợp với mọi địa hình rất tiện lợi cho việc chuyên chở hàng hóa đường rừng, đặc biệt là gỗ. Mặt khác, khi vận chuyển bị phát hiện các đối tượng cũng dễ bỏ trốn, phi tang tang vật.
Đồng chí Trần Đức Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn cho biết, loại phương tiện này rất thuận lợi cho tất cả các địa hình, giá thành lại không quá cao và đặc biệt dễ gây cản trở cho các lực lượng chức năng để tẩu thoát khi bị phát hiện. Cũng theo đồng chí Hạt trưởng, thì khoảng hơn 3 năm trở lại đây việc các đối tượng chuyển sang sử dụng xe độ, chế để vận chuyển lâm sản trái phép tại địa phương diễn ra rất phổ biến. Trước thực trạng đó, thời gian qua Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn đã chủ động tham mưu xây dựng các kế hoạch cao điểm chống phá rừng trong từng quý, trong đó công tác quản lý xe độ, chế vận chuyển lâm sản trái phép là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Qua đó, ngoài việc phối hợp với các lực lượng liên ngành thường xuyên tuần tra ngăn chặn, địa phương đã khảo sát, bố trí thành lập các chốt tại các trạm QLBVR Ma Nới, Tà Nôi để hỗ trợ các lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng tăng cường ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép bằng mô-tô độ, chế. Tổ chức phối hợp lực lượng tuần tra liên tục trên các trục giao thông, các tuyến đường ra vào rừng. Qua các đợt tuần tra truy quét, mỗi năm các lực lượng đều thu giữ hơn 100 mô-tô độ, chế các loại vi phạm việc vận chuyển lâm sản trái phép. Riêng từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã phát hiện thu giữ hơn 40 xe độ, chế các loại.
Tuy nhiên, đáng lo nhất là sự nguy hiểm của phương tiện này đối với các lực lượng chức năng khi tuần tra, truy quét và người dân tham gia giao thông. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng sử dụng xe độ, chế liều mình chống trả, chạy hết tốc độ, lạng lách gây nguy hiểm cho các tổ tuần tra và người dân khi tham gia giao thông.
Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi có hiệu quả tình trạng sử dụng mô-tô độ, chế vận chuyển lâm sản trái phép, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc quản lý xe độ, chế là rất khó, bởi đơn vị chức năng chỉ xử lý vi phạm khi đối tượng vận chuyển lâm sản trên xe, còn các đối tượng mua xe về độ, chế lại và lưu thông trên đường thì không thể bắt giữ.
Để hạn chế và loại bỏ phương tiện này, các ngành chức năng trong đó đặc biệt là lực lượng công an và nòng cốt là trách nhiệm từ phía chính quyền các địa phương cần phải được thể hiện rõ hơn nữa. Chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các xã trọng điểm có xe độ, chế như Hòa Sơn, Ma Nới hay Quảng Sơn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác QLBVR, không sử dụng xe độ, chế vận chuyển lâm sản trái phép và tham gia giao thông, nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng này.
Nguyễn Sơn