Ông Lê Hoa với vạt rừng đước nguyên sinh do ông bảo vệ.
Ông Lê Hoa 62 tuổi dẫn đường chúng tôi đến khu vực rừng đước ven Đầm Nại. Những cây đước săn chắc thân cao 6-7 mét tỏa bóng xanh mát. Là người dân sinh trưởng tại vùng đất Hòn Thiên nên ông gắn bó máu thịt với cây đước. Tuổi thơ ông cùng bạn bè trang lứa đùa giỡn, bắt ốc bắt cua dưới bóng rừng đước. Vài chục năm trước, ven Đầm Nại rừng đước xanh mướt rộng đến hàng trăm hecta. Cây đước chắn sóng bảo vệ chân đìa chắc chắn và giữ đất bồi đắp bờ đìa. Con cá, con tôm theo nước biển triều lên vô trú ngụ sinh sản dưới gốc đước. Người dân địa phương khai thác hải sản tự nhiên bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, nuôi con ăn học thành đạt.
Năm 1981, ông Hoa sang nhượng 2 ha đất đìa của một dân địa phương. Rừng đước nguyên sinh ven đìa do gia đình quản lý rộng khoảng 1,5 ha được bảo vệ nghiêm ngặt. Thời điểm nuôi tôm công nghiệp hưng thịnh, 1 ha đất đìa có giá nửa tỉ đồng, tương đương cả trăm lượng vàng. Có người biểu ông phá rừng đước làm đìa bán kiếm tiền xài nhưng ông một mực từ chối. Bà con quanh vùng lén chặt đước về làm trụ chòi tôm hoặc làm củi đều bị ông quyết liệt ngăn chặn. Nhờ đó, rừng đước nguyên sinh do ông Hoa bảo vệ còn xanh tốt đến ngày nay. Đây là vùng rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sống sót sau đợt phá rừng làm đìa tôm của cư dân sinh sống ven Đầm Nại thuộc địa bàn huyện Ninh Hải. Điều ông Lê Hoa trăn trở là dự án đắp bờ bao Đầm Nại thi công quá chậm dẫn đến hệ quả khu rừng do gia đình ông quản lý thường xuyên bị ngập nước, rong sinh sản nhanh làm chết nhiều cây đước. Ban quản lý dự án Đầm Nại sớm xem xét lắp đặt cống dẫn nước theo con nước thủy triều bảo đảm điều kiện tự nhiên cho rừng đước sinh trưởng.
Ông Lê Hoa sẵn sàng tặng trái giống cây đước trồng phục hồi rừng ngập mặn.Đầm Nại
Ông Lê Hoa chia sẻ: Thấm thía lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” nên tui kiên quyết giữ rừng. Cây rừng vùng ngập mặn phá thì dễ nhưng trồng lại rất khó. Bản thân tui và bà con thôn Hòn Thiên mong được cấp trên xem xét đầu tư khôi phục rừng ngập mặn. Đây là giải pháp căn cơ đưa Đầm Nại thoát khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường giúp nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Thái Sơn Ngọc