Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, Thuận Nam đã xác định quan điểm phát triển là xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm công nghiệp phía Nam của tỉnh; khai thác tối đa có hiệu quả nguồn nội lực và thu hút các nguồn ngoại lực, nhằm khai thác lợi thế về kinh tế biển, công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo.
Làng biển Phước Diêm - Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Miên
Theo quan điểm trên, Thuận Nam định hướng ưu tiên tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của huyện, nhất là tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh về bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Dù nông nghiệp đang là ngành sản xuất chính nhưng trong những năm tới sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng tỷ trọng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại-dịch vụ. Trong phương hướng phát triển đến năm 2020, Thuận Nam chọn khâu đột phá phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch dựa trên lợi thế của huyện, lấy công nghiệp chế biến, năng lượng làm động lực thúc đẩy nhanh tăng trưởng, chuyển dịch nhanh cơ cấu và nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, hình thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của tỉnh, ngoài Nhà máy Điện hạt nhân 1 do Trung ương đầu tư, Thuận Nam sẽ thu hút các thành phần kinh tế, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển điện gió, điện mặt trời theo quy hoạch, đến năm 2020 đạt công suất lắp đặt 434 MW.
Đối với kinh tế biển, Thuận Nam tập trung phát triển các ngành công nghiệp biển, trọng tâm là sản xuất muối công nghiệp và hóa chất sau muối, chế biến thủy sản, khai thác và chế biến khoáng sản titan; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các nhà máy điện hạt nhân, điện gió; đến năm 2020 sản xuất đạt 500 ngàn tấn muối, 200-250 ngàn tấn hóa chất sau muối, 120 ngàn tấn xỉ titan; thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở các khu công nghiệp Phước Nam, khu công nghiệp Hiếu Thiện, khu công nghiệp Cà Ná; quy hoạch và đầu tư khu chế biến thuỷ sản tập trung Phước Dinh. Đồng thời tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo giá trị gia tăng cao, nhất là các ngành dịch vụ biển, trọng tâm là du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu, vận tải biển, tài chính-ngân hàng, thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp.
Do đặc thù của một huyện nông nghiệp còn nhiều khó khăn, trước mắt Thuận Nam chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất/ha. Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cùng với đầu tư các công trình thuỷ lợi trọng điểm, mở rộng và nâng cấp mạng lưới cấp nước, nâng cấp và phát triển mạng lưới điện, Thuận Nam tập trung đầu tư các trục giao thông kết nối 2 hành lang Quốc lộ 1A-tuyến đường ven biển và hệ thống giao thông khu trung tâm hành chính huyện kết nối với nâng cấp Quốc lộ 1A. Trong đó bao gồm việc hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nâng cấp ga Cà Ná thành ga hàng hóa chính của tỉnh phục vụ nhu cầu các khu công nghiệp trên địa bàn.
Tuyến đường ven biển Phú Thọ- Mũi Dinh tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội huyện Thuận Nam
Ảnh: Sơn Ngọc
Để thực hiện quy hoạch trên, Thuận Nam đã đề ra các giải pháp chủ yếu về huy động nguồn vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước; thực hiện chính sách an sinh xã hội; quản lý và bảo vệ môi trường; mở rộng hợp tác liên kết. Trong đó nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực vừa là chiến lược mang tính lâu dài, vừa mang tính cấp bách đối với phát triển kinh tế-xã hội của Thuận Nam.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
Về kinh tế:
-Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành thời kỳ 2011-2020 đạt 20% (giai đoạn 2011-2015 đạt 19-20%, giai đoạn 2016-2020 đạt trên 20%). Trong đó, giai đoạn 2011-2015: nông, lâm, thuỷ sản đạt 5-6%; công nghiệp-xây dựng đạt 35-36%; thương mại-dịch vụ đạt 24-25% và giai đoạn 2016-2020 tương ứng đạt trên 5%, 26-27% và 21-22%.
- Thu nhập bình quân đầu người khoảng 25,3 triệu đồng vào năm 2015 và khoảng 76,1 triệu đồng vào năm 2020.
- Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 đạt 170-180 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt khoảng 560-570 tỷ đồng, tốc độ tăng giai đoạn 2011-2015 là 14-15% và giai đoạn 2016-2020 là 26-27% .
-Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011- 2015 đạt trên 11.100-11.200 tỷ đồng, tăng bình quân 45-50%/ năm; giai đoạn 2016-2020 đạt gần 35.000-35.100 tỷ đồng, tăng bình quân trên 25%/năm.
Về xã hội:
- Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011 - 2015 còn 1,11%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 còn 1,07%/năm. Đến năm 2015 quy mô dân số trung bình đạt 70,7 ngàn người và năm 2020 đạt khoảng 95,9 ngàn người.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,79% năm 2010 xuống còn 7% vào năm 2015 và còn dưới 5 % vào năm 2020.
- Cải thiện chất lượng môi trường, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 90-95% dân cư vào năm 2015 và cho 100% dân cư vào năm 2020. Đến năm 2015 thu gom và xử lý tập trung đạt 80% rác thải sinh hoạt, 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế, 80% số hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp vệ sinh. Đến năm 2020 thu gom 100% rác thải sinh hoạt tại khu vực dân cư tập trung n
Đồng chí Võ Văn Tiến,
Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam:Trên quan điểm phát triển kinh tế-xã hội của huyện, để tạo bước đột phá, Thuận Nam xác định trọng tâm là phát triển kinh tế biển, công nghiệp, năng lượng; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo đó, huyện Thuận Nam định hướng tổ chức không gian, lãnh thổ làm 4 tiểu vùng kinh tế-xã hội, trong đó điểm nhấn là tiểu vùng động lực về năng lượng hạt nhân, du lịch (khu vực xã Phước Dinh) với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và khu du lịch Mũi Dinh, có kinh tế chủ yếu là năng lượng hạt nhân, du lịch biển, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản. Ngoài ra còn có tiểu vùng động lực kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ gắn với lợi thế biển (gồm 2 xã: Cà Ná và Phước Diêm), có kinh tế chính là đánh bắt hải sản, du lịch biển với các khu du lịch Cà Ná, dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển, công nghiệp đóng tàu, chế biến thuỷ sản...
Đồng chí Lê Văn Thành,
Chủ tịch UBND xã Phước Diêm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Thuận Nam đến năm 2020 được phê duyệt sẽ mở ra hướng đi mới dựa trên thế mạnh tiềm năng hiện có của địa phương.
Dựa trên quy hoạch chung của huyện, xã Phước Diêm tiếp tục khai thác nguồn lực, chú trọng phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ. Xác định thủy sản là ngành chủ lực, Phước Diêm tiếp tục vận động ngư dân cải hoán tàu thuyền, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, vươn ra khơi xa đánh bắt trên biển dài ngày; đồng thời tăng cường chuyển giao công nghệ mới trong nuôi trồng và đánh bắt hải sản gắn bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ông Nguyễn Dụ,
Thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam:Kể từ khi tách huyện đến nay, xã Phước Nam không chỉ được đầu tư xây dựng đường sá, kênh mương,… mà các chương trình khuyến nông như mô hình sản xuất lúa giống nguyên chuẩn, mô hình “3 tăng 3 giảm” về địa phương giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất. Phước Nam được chọn xây dựng trung tâm huyện lỵ nên có thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển về mọi mặt.
Được biết theo quy hoạch mới, xã Phước Nam tương lai trở thành đô thị loại 5, bản thân tôi cũng như hầu hết bà con rất mừng. Hiện tại, bà con trong thôn chúng tôi cũng đang thảo luận các phương án huy động đóng góp từ nhân dân để xây dựng đường nội đồng, kênh mương phục vụ tưới tiêu nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bạch Thương - Nhóm PV