Theo Chủ tịch Hội nghị quốc tế của Liên đoàn các Hiệp hội nuôi ong thế giới Apimondia là Gilles Ratia, thì hiện nay mức độ tử vong của ong lên tới một con số rất lớn: từ 20 đến 40%/năm.
Ong là một loài côn trùng rất có giá trị đối với con người. Không chỉ vì chúng cho mật ong, một thực phẩm đồng thời là một dược phẩm quý báu mà chúng còn thụ phấn cho hoa, khi chúng bay từ bông hoa này tới bông hoa khác để hút nhuỵ về “luyện” thành mật.
Ong có thể khai thác mật ở hầu hết các loại hoa, nhờ vậy, tỷ lệ đậu quả tăng lên. Kết quả là ong đóng góp vô giá vào sự tăng năng suất cho tất cả các loại cây.
Tổng kết lại, riêng đối với cây trồng, ong đã hỗ trợ cho khoảng 80% các loại thực vật phục vụ cho đời sống của loài người, chiếm 1/3 khẩu phần ăn của dân số toàn hành tinh. Nếu như bỗng nhiên toàn bộ loài ong trên thế giới biến mất, thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng thiếu nghiêm trọng các sản phẩm thịt và sữa, rau xanh và trái cây.
Vậy mà sự tồn tại của loài côn trùng mang lại lợi ích đến như vậy lại đang bị đe doạ bởi rất nhiều yếu tố do chính con người gây ra: sử dụng thuốc trừ dịch hại hoá học một cách bừa bãi, không chọn lọc, không đúng quy định; tập trung vào việc chuyên môn hoá trong việc trồng trọt (chỉ chú trọng canh tác một loại cây theo kiểu độc canh để mang lại lợi ích nhất thời); duy trì các kỹ thuật nuôi ong theo cách cổ truyền, chưa quan tâm đúng mức đến việc cải tiến, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới nghề nuôi ong.
Một lý do khác nữa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn ong là xuất hiện các loại ký sinh trùng gây bệnh cho chúng, đặc biệt là bệnh do loài ve bét có tên khoa học là Varroa Oudemans, làm chúng chết hàng loạt mà các nhà khoa học chưa giúp được bao nhiêu trong việc diệt trừ loài ký sinh trùng này.
Nếu không có những biện pháp kịp thời cứu lấy loài ong thì sẽ mang lại những tổn thất nghiêm trọng, thậm chí nạn đói trên quy mô toàn cầu.
Nguồn: Khoahoc.com