Giá cả giảm, người tiêu dùng bớt lo!

(NTO) Tháng 4 hàng năm trên địa bàn tỉnh thường diễn ra một số sự kiện như Kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh nhà... và qua đó cũng góp phần “kích cầu“ tiêu dùng. Đây cũng là dịp để nhiều hộ kinh doanh “làm giá“ một số mặt hàng trên thị trường, tuy nhiên tháng 4 vừa qua theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm nhẹ và dừng ở mức 0,06% so với tháng trước.

Điều đáng nói là chỉ số giá của nhóm có tỷ trọng lớn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm mạnh với mức giảm 1,11%. Trong số này mặt hàng lương thực giảm 0,91% và thực phẩm giảm 1,48%. Ngoài ra, còn có các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng dưới 1% gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% và nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số không tăng, không giảm gồm: May mặc, mũ nón, giày dép; giáo dục; bưu chính-viễn thông. Tuy nhiên, trong tháng do nhu cầu, nhất là thời gian nghỉ lễ kéo dài... nên một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trên 1% như nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,43 %; giao thông tăng 1,2%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,66%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,35%.

 
Người dân mua sắm hàng tiêu dùng tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

So với tháng 12-2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2013 tăng 1,6% và nếu so với cùng kỳ năm trước tăng 12,23% đưa chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 12,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.

Chỉ số giá vàng tháng 4-2013 giảm 2,84% so với tháng trước; giảm 7,21% so với tháng 12-2012 và giảm 5,44% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 1,61% so với tháng 12-2012 và tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2012.

Như đã nói trên, do giá cả nhiều mặt hàng giảm thấp nên đã “kích cầu” tiêu dùng. Theo đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đạt 881,4 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 3,8%. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.467 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,9%. Trong đó, kinh doanh thương nghiệp chiếm 79,8% tổng mức và tăng 15,4%; Khách sạn nhà hàng chiếm 12,65% và tăng 23,7%; Dịch vụ chiếm 7,45% và tăng 22,3%; Du lịch chiếm 0,1% và tăng 30% so cùng kỳ năm 2013.

Có thể nói, giá cả tiêu dùng nhất là các mặt hàng thiết yếu giảm liên tục trong các tháng qua là kết quả của chính sách bình ổn thị trường và sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt của tỉnh, góp phần làm “dịu” nỗi lo của người tiêu dùng nói chung.