Điều đáng buồn là tại những bãi tắm công cộng, lại rất ít được bố trí đặt các thùng chứa rác để tiện cho du khách bỏ rác; không thấy bảng pa-nô tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển và cũng chẳng có lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở để tạo ý thức, thói quen tốt cho du khách. Mặc dù, gần đây có một số đơn vị đã triển khai công tác vệ sinh bãi biển nhưng xem ra cũng chỉ mang tính đơn lẻ, không thấm tháp vào đâu khi chỉ một khu vực nhỏ được làm sạch mà cả dọc bờ biển dài vẫn còn đầy rác.
Nuôi tôm hùm lồng và thả bông lưới dũ trên biển Bình Sơn-Ninh Chử
ảnh hưởng đến môi trường biển.
Không chỉ có rác mà nguy cơ bãi tắm bị ô nhiễm và cảnh quan bị ảnh hưởng khi ven bờ biển khu vực này trở thành nơi khai thác, nuôi trồng hải sản của ngư dân. Mặc dù UBND thành phố đã có “lệnh” cấm nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục hộ dân dùng thúng chai chở bông lưới dũ thả dọc theo bãi tắm để đánh bắt tôm giống. Chính vì vậy du khách rất ngại khi tắm biển, tổ chức các hoạt động thể thao trên biển.
Một thời gian dài việc nuôi tôm hùm ở khu vực này phát triển lên đến trên 40 bè, với gần 800 ô nuôi (cả lồng chìm và nổi). Việc nuôi tôm hùm trong khu vực bãi tắm không chỉ làm cảnh quan biển bị tác động mà lượng thức ăn dư thừa, rác thải từ các bè nuôi cũng góp phần gây ô nhiễm. Mặc dù trước đây UBND thành phố đã ra sức vận động, cưỡng chế các lồng nuôi này ra khỏi khu vực phát triển du lịch đến vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản C1, C2, C3, đồng thời khuyến cáo các hộ dân cần tăng cường gia cố lồng bè để đến vị trí nuôi mới được thuận lợi. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn chuyển tới khu quy hoạch, đã có trên 30 hộ nuôi kéo bè trở về lại khu vực nuôi cũ trong vịnh Phan Rang. Qua tuyên truyền, vận động, cương quyết không để tình trạng nuôi tôm trong khu vực bãi biển tái diễn của chính quyền địa phương, đến nay hầu hết các hộ nuôi đã quay trở lại khu quy hoạch, hoặc di dời ra khỏi khu vực cấm, một số hộ tự tháo dỡ bè nuôi để gia cố lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bè nuôi chưa chịu di dời với nhiều lý do xin được nuôi tạm cho đến khi thu hoạch, hoặc qua mùa gió…
Đồng chí Lê Sô, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải, cho biết: Chủ trương của UBND thành phố cũng như địa phương là thống nhất phải thực hiện cương quyết ngay từ đầu. Cùng với việc cưỡng chế di dời đối với lồng nuôi tôm hùm, thì đến hết ngày 30-4 sẽ thực hiện việc cấm không cho người dân thả bông lưới dũ trên khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chử để phục vụ cho phát triển du lịch. Những trường hợp cố tình không chấp hành thì cưỡng chế bắt buộc, tháo dỡ theo quy định.
Thiết nghĩ, việc đảm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan để phát triển du lịch biển tại khu vực Bình Sơn-Ninh Chử là rất cần thiết. Không vì lợi ích cục bộ của một số hộ dân mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh. Hy vọng rằng, với sự quyết liệt và thống nhất cao trong công tác chỉ đạo thực hiện, biển Bình Sơn-Ninh Chử sẽ trở nên sạch đẹp, thân thiện hơn trong mắt du khách, nhất là thời điểm tỉnh ta đang thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Ngũ Anh Tuấn