Mỗi tàu sử dụng từ 50-150 lít dầu/ đêm để chạy máy phát điện. Mỗi năm chi phí nhiên liệu để chạy máy phát điện trên đội tàu khai thác kết hợp ánh sáng ước khoảng 60-100 tỷ đồng. Nếu sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm khoảng 50-60% nhiên liệu thì ngư dân trong tỉnh có thể tiết kiệm 35-50 tỷ đồng/ năm. Đó là chưa kể đèn cao áp chỉ thích hợp cho chiếu sáng công cộng, trong khi mức độ nhiễm mặn trong không khí ở biển cao, nên tuổi thọ của đèn thấp. Bên cạnh đó việc dùng nhiều dầu diesel không những làm tăng chi phí cho các chủ tàu khai thác hải sản mà còn tạo ra khói, cặn nhớt gây ô nhiễm không khí và môi trường biển.
Trước thực tiễn trên, Viện Khoa học và Công nghệ thủy sản Nha Trang kết hợp với Viện Vật lý kỹ thuật – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các cơ quan chức năng cùng hơn 20 hộ ngư dân làm nghề lưới vây kết hợp ánh sáng tại tỉnh ta. Thông qua hội thảo, giới thiệu những tính năng và lợi ích từ việc sử dụng đèn LED trong khai thác thủy hải sản, trao đổi với bà con ngư dân về thực trạng đánh bắt cá bằng đèn hiện nay.
Theo TS Lê Hải Hưng, Viện Vật lý kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội “Ưu điểm vượt trội của việc ứng dụng đèn LED trong khai thác hải sản là đèn có nhiều màu sắc khác nhau, có thể lựa chọn thích hợp với từng loại hải sản; có hiệu suất phát sáng cao; có thể chế tạo với nhiều mức công suất khác nhau tùy theo mục đích sử dụng; có thể hoạt động ở điện áp thấp nên có độ an toàn cao, thậm chí có thể hoạt động ngay trong môi trường nước biển; tuổi thọ cao giúp tiết kiệm chi phí thay thể. Về hiệu quả kinh tế thì chi phí đầu tư ban đầu cho đèn LED cao nhưng bù lại chi phí đầu tư cho máy phát điện thấp, nhiên liệu tiết kiệm cho 1 chuyến biển giảm đáng kể”.
Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Nha Trang đã đi thực tế đến các tàu đánh bắt của ngư dân đo đạc các thông số ánh sáng để đánh giá và làm cơ sở thực tiễn cho các nội dung nghiên cứu sắp đến trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ tại tỉnh Ninh Thuận”. Việc phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ LED trong khai thác hải sản sẽ mở ra một hướng mới trong nghề khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương, góp phần giúp cho ngư dân tiết kiệm được 50% chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác chuyến biển, thúc đẩy phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương, đất nước.
Thanh Hưng
Sở Khoa học & Công nghệ