Điều 170 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 01/07/2006 phải đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan; việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Nếu không đăng ký lại, trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư và tiếp tục hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Việc quy định thời hạn đăng ký lại doanh nghiệp có vốn ĐTNN nhằm mục đích tạo cơ sở pháp lý để buộc doanh nghiệp sớm thực hiện phương thức quản lý và hoạt động theo nguyên tắc thống nhất quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005.
Nhiều vướng mắc
Như vậy, kể từ ngày 1/7/2011, những doanh nghiệp có vốn ĐTNN chưa thực hiện đăng ký lại đã gặp phải những vướng mắc chủ yếu là không được bổ sung ngành nghề kinh doanh, chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề quy định tại Giấy phép đầu tư.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không được gia hạn dự án đầu tư, chỉ được hoạt động trong thời hạn quy định tại Giấy phép đầu tư đã được cấp trước đây. Giấy phép đầu tư của các doanh nghiệp này quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp với thời hạn phổ biến là 20 năm. Kết thúc thời hạn ghi tại Giấy phép đầu tư, các doanh nghiệp này phải chấm dứt hoạt động và giải thể.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế thời hạn đăng ký lại đã tạo ra sự phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp có vốn ĐTNN vì doanh nghiệp trong nước không bắt buộc phải thực hiện yêu cầu này. Bên cạnh đó, quy định này cũng can thiệp vào quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý của doanh nghiệp.
Việc không cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, bổ sung ngành nghề cũng không phù hợp với chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đang hoạt động tiếp tục mở rộng đầu tư hoặc thực hiện dự án mới tại Việt Nam.
Ngay cả khi doanh nghiệp có vốn ĐTNN đi đăng ký lại như quy định của Luật, việc thực hiện thủ tục đăng ký lại cũng gặp phải các vướng mắc.
Một số doanh nghiệp liên doanh không đạt được nhất trí giữa các Bên liên doanh trong việc đăng ký lại vì theo Điều lệ doanh nghiệp, việc gia hạn hoặc tổ chức lại doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12/2012, chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp có vốn ĐTNN hoàn thành đăng ký lại theo quy định này (trong tổng số 6.000 doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký lại).
Riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 800 doanh nghiệp chưa đăng ký lại; trong đó có 27 doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ 634,4 triệu USD hết thời hạn hoạt động từ năm 2012 và đang đề nghị được đăng ký lại để tiếp tục hoạt động.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp có vốn ĐTNN không thực hiện được thủ tục đăng ký lại đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi kết thúc thời hạn hoạt động ghi tại Giấy phép đầu tư vì không thể thực hiện thủ tục đăng ký lại. Điều này đồng nghĩa với việc một nguồn vốn lớn sẽ rút khỏi Việt Nam, hàng vạn lao động có nguy cơ mất việc, làm phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp...
Hai phương án cho doanh nghiệp chọn
Từ thực tế nêu trên, Chính phủ thống nhất cho rằng việc xem xét sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005 là hết sức cần thiết và cấp bách. Việc sớm sửa đổi quy định này cũng là giải pháp quan trọng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005 theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của Doanh nghiệp có vốn ĐTNN, để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại bất kỳ thời điểm nào thích hợp đối với doanh nghiệp. Việc sửa đổi Điều 170 theo hướng này đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh.
Theo phương án này, doanh nghiệp đăng ký lại và doanh nghiệp chưa đăng ký lại đều hoạt động trên cơ sở Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa đăng ký lại còn tiếp tục duy trì nguyên tắc tổ chức và hoạt động đã thỏa thuận tại Điều lệ doanh nghiệp không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 5 tới đây, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 và thay thế khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Nguồn www.chinhphu.vn