Cũng từ suy nghĩ đó mà có rất nhiều loại mũ gọi là… “bảo hiểm” được sử dụng và nếu không chú ý thì rất dễ nhầm với nhiều kiểu mũ “thời trang” như thời chưa bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây. Chính vì lẽ đó mà giá trị sử dụng không đạt theo quy định của Nhà nước đó là đội mũ bảo hiểm nhằm giảm đến mức thấp nhất chấn thương đầu khi bị tai nạn.
Người tiêu dùng lựa chọn mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng. Ảnh: Sơn Ngọc
Hiện nay không mấy khó khăn khi chọn mua mũ bảo hiểm với nhiều kiểu, nhiều giá khác nhau, từ cao cấp đến bình dân tùy theo cách chọn điểm mua là vỉa hè, lề đường hay tại các tiệm, shop... Và cũng chính từ sự đa dạng này dẫn đến chỗ khó có thể chắc chắn rằng người mua sở hữu chiếc mũ đạt chuẩn! Thôi thì như người xưa thường nói: Chỉ có người mua mới nhầm mà thôi!
Tất nhiên, điều không ai mong muốn rủi ro sẽ đến với mình khi tham gia giao thông, cho nên nảy sinh tư tưởng chủ quan, nhất là khi mua và sử dụng mũ bảo hiểm không “quá” chú trọng đến chất lượng và hợp quy chuẩn. Tuy nhiên, thường thì “họa vô đơn chí”, đã có không ít trường hợp phải hối tiếc vì những chấn thương do mũ bảo hiểm kém chất lượng gây ra.
Làm thế nào để mọi người “nói không” với mũ bảo hiểm...”dởm”?. Thử đưa ra vài ý kiến:
Một là, ngành chức năng cần tăng cường và quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra tất cả các điểm mua bán mũ bảo hiểm, qua đó kiên quyết xử lý, hủy các loại mũ không hợp quy; vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng; vi phạm nhãn mác hàng hóa. Xử lý nghiêm vi phạm về kinh doanh, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng…
Hai là, gắn tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm chất lượng đúng chuẩn với áp dụng chế tài xử lý người sử dụng, trước mắt là thu, hủy mũ không đạt chuẩn và buộc phải sử dụng mũ đúng chuẩn. Song song với đó Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần thông qua hình thức đổi mũ bảo hiểm như trước đây Hội nông dân đã từng thực hiện.
“Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình.” Thiết nghĩ mọi người chúng ta cần xem đây là “phương châm” khi tham gia giao thông.
Tuấn Dũng