Một sự pha trộn tuyệt vời giữa hai kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu bán sa mạc, cùng với các kiến tạo địa chất, địa hình; cùng sự giao thoa hài hòa giữa các nền văn hóa của các dân tộc trong tỉnh và con người nơi đây đã tạo cho vùng đất Ninh Thuận nói chung và vùng ven biển của tỉnh nói riêng sự thu hút quyến rũ; ngày càng nhiều du khách, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến với nơi này.
Hoạt động nuôi tôm hùm lồng và thả lưới giũ trên biển đang gia tăng,
lấn chiếm mặt nước biển
Với mong muốn xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, trong những năm gần đây các cấp chính quyền đã quan tâm nhiều đến công tác quy hoạch và thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc sử dụng tài nguyên – môi trường, trong đó có việc sử dụng tài nguyên – môi trường biển của tỉnh. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã xác định rõ các phương hướng, mục tiêu và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển. Một số các quy hoạch ngành liên quan đến sử dụng tài nguyên biển cũng đã được xây dựng như: nuôi trồng thủy sản, du lịch…Có thể coi đây là cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng để sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển.
Mặc dù vậy, thực tế triển khai thực hiện các quy hoạch đang gặp một số khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện mục tiêu chung và giải quyết đời sống kinh tế của một bộ phận ngư dân đang sinh sống dựa vào nguồn tài nguyên biển nhiều đời nay, cho dù các cấp chính quyền luôn tìm các phương kế để giải quyết hài hòa lợi ích của các bên trong quá trình phát triển của tỉnh. Nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển du lịch và khai thác hải sản tự nhiên (tôm hùm con), thời gian qua tỉnh đã chủ trương cho phép nhân dân được thả lưới khai thác tôm hùm con trong phạm vi khu vực và thời gian quy định tại biển Bình Sơn – Ninh Chử, tuy nhiên việc chấp hành chủ trương trên chưa được các hộ dân khai thác tôm hùm con bằng lưới giũ (một loại bẫy bắt tôm hùm con) thực hiện nghiêm túc, việc thả lưới giũ tràn lan gây tác động trực tiếp đến các hoạt động dịch vụ du lịch trong khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chử và ảnh hưởng đến hoạt động tắm biển của người dân; điều này gây bức xúc trong nhân dân và của các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch khu vực biển Bình Sơn.
Các “tranh chấp” về sử dụng không gian biển ngày càng tăng ở hầu hết các địa phương ven biển. Phần lớn các “tranh chấp” này xảy ra giữa việc sử dụng không gian biển phục vụ cho mưu sinh của các ngư dân bản địa và việc sử dụng không gian biển cho phát triển du lịch của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các “xung đột” giữa các hoạt động sử dụng không gian biển cho bảo tồn tài nguyên môi trường biển với việc sử dụng không gian biển cho khai thác, đánh bắt hải sản và neo đậu tàu thuyền vẫn còn xảy ra. Điều này xét ở một khía cạnh nào đó cũng là một hệ lụy thường thấy của sự phát triển. Vấn đề đặt ra ở đây là tìm ra một biện pháp phân vùng sử dụng không gian biển một cách hợp lý nhằm sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và giải quyết hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển.
Tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề trên, có thể nhận ra hai trạng thái thường thấy trong việc quản lý, sử dụng không gian biển tại tỉnh hiện nay;
Thứ nhất, theo tư duy “điền tư, ngư chung”, tức là biển là của chung ai cũng có quyền sử dụng. Điển hình như tại vùng cửa biển của cảng cá Ninh Chử, hoạt động thả lưới giũ tràn làn, kéo dài hàng kilômét, đôi khi che lấp cả đường vận chuyển của tàu bè; hoặc khu vực Cảng cá Mỹ Tân thuộc huyện Ninh Hải, các lồng nuôi thủy sản và lưới giũ được giăng mắc kín cả một vùng biển (mặc dù những nơi này không phải là vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản). Từ đó, không quản lý được mức độ khai thác, dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên.
Thứ hai, phân chia mặt nước biển một cách rạch ròi cho từng ngành kinh tế giống như kiểu phân chia quỹ đất ở trên bờ, tức là phân chia mặt nước biển cho mỗi ngành sử dụng, các ngành khác nhất định không được lấn chiếm vào; điển hình như quy hoạch vùng biển Bình Sơn – Ninh Chử thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm dành cho du lịch với khoảng cách 3 hải lý tính từ bờ ra, vì vậy việc nuôi trồng thủy sản nhất định phải di dời. Ngay trong bản thân quy hoạch ngành thủy sản cũng vậy, vùng được quy hoạch để nuôi ốc hương thì nhất định không được nuôi tôm hùm, mặc dù điều kiện tự nhiên vẫn có thể đáp ứng được, mà hiện tại việc nuôi ốc hương chưa có nhu cầu… những bất cập đó, đang làm nảy sinh các “tranh chấp” trong khai thác tài nguyên.
Cả hai trạng thái này, đang là nguyên nhân dẫn đến sự khó quản lý không gian biển của tỉnh ta. Thiết nghĩ, để đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, rất cần đến giải pháp mới trong phân vùng sử dụng không gian biển trong giai đoạn hiện nay.
Phân vùng sử dụng biển, hay còn gọi là phân vùng sử dụng không gian biển là một nội dung trong quy hoạch phát triển kinh tế biển đã được Luật Biển Việt Nam đề cập tới. Phân vùng sử dụng biển là một biện pháp điều chỉnh quan trọng để thực hiện các kế hoạch tổng thể quản lý không gian biển thông qua một hoặc một số bản đồ phân vùng sử dụng không gian biển và các quy định cho một vài hoặc tất cả các tiểu vùng của vùng biển. Phân vùng sử dụng biển được tiếp cận theo nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái, linh hoạt và thích ứng, có thể điều chỉnh. Phải lấy hệ sinh thái làm nền tảng cho tính bền vững, làm cơ sở cho sự phát triển lâu dài. Về mặt không gian, việc phân vùng sử dụng không gian biển cần phải được xem xét ở cả ba mảng không gian: mặt nước biển, trong lòng biển và đáy biển. Có như vậy mới đảm bảo tính toàn diện trong xây dựng các kế hoạch phân vùng sử dụng không gian biển và đề ra được các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên và môi trường biển quý giá mà chúng ta đang sở hữu.
Đỗ Phước Vinh