HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH:

Suy nghi về phong cách làm việc, học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NTO) Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Người là tinh hoa của thời đại, là lương tâm, trí tuệ, khí phách của dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Bác đã để lại cho chúng ta nhiều bài học vô giá. Trong bài viết này, tôi muốn cùng chia sẻ về phong cách học tập, làm việc của Bác để chúng ta cùng suy ngẫm.

Chuyện kể rằng có lần, một đồng chí giúp việc hỏi Bác một câu: “Thưa Bác, Bác có kinh nghiệm gì mà Bác viết ngắn lại hay đến vậy? Bác nói ngắn mà lại hay như vậy?”. Bác rất khiêm nhường và bảo rằng Bác không có kinh nghiệm gì cả, các chú cứ làm việc đi, tự khắc công việc sẽ mách bảo kinh nghiệm và Bác nói thêm: “Nếu các chú gọi là kinh nghiệm thì Bác chỉ mách nhỏ các chú mấy câu: việc gì Bác cũng phải trực tiếp làm”. Bác giải thích là có trực tiếp làm mới thấu hiểu nỗi khó nhọc của cán bộ, mới biết thương cán bộ, mới biết sự phức tạp của công việc. Và Bác đã tổng kết thành mấy câu rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu và áp dụng vì dễ nhớ, dễ thuộc nhưng lại rất biện chứng và như là một chân lý. Đó là: Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành.

Trong học tập, rèn luyện của người cán bộ cách mạng không phải chỉ học lý luận suông, bởi lý luận đều bắt nguồn từ thực tiễn. Nếu chỉ học tập lý luận suông thì dễ dẫn tới giáo điều, rập khuôn, máy móc – bài học kinh nghiệm lịch sử trong thời kỳ bao cấp mà chúng ta đã rút ra. Do vậy, muốn học tập tốt thì phải thực hành. Quá trình thực hành sẽ đúc rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho mỗi người trong quá trình công tác và tổng kết lại những kinh nghiệm thực tiễn thì đó chính là lý luận để trở lại phục vụ cho các hoạt động trong thực tế công tác, bổ sung vào lý luận góp phần tổ chức thực hiện các hoạt động trong thực tiễn công tác được tốt hơn. Chính vì vậy, Bác luôn yêu cầu người cán bộ cách mạng muốn nâng cao trình độ thì phải biết tự rèn luyện, học hỏi đúc kết từ thực tiễn hoạt động cách mạng và Bác là tấm gương sáng trong việc học tập, rèn luyện thông qua thực tiễn hoạt động cách mạng sôi nổi của mình. Sau này, dù Người đã là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người vẫn trực tiếp làm nhiều việc.

Liên quan đến vấn đề này, Người còn nói: “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực”. Do vậy, trong học tập công tác, người cán bộ không chỉ học lý luận trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng mà còn cần biết học tập trong thực tiễn công tác, trong cuộc sống đời thường.

Hiện nay, do những tác động ngày càng mạnh mẽ của mặt trái kinh tế thị trường dẫn đến hậu quả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị tha hoá về phong cách, lối sống. Trong phong cách làm việc thì độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ, phương pháp làm việc thiếu khoa học, đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm làm mất lòng tin trong đồng nghiệp và nhân dân thì bài học trên của Bác càng có giá trị.

Mặt khác, trong phong cách học tập, làm việc của Bác, chúng ta còn học được ở Bác phương pháp tư duy sáng tạo, bổ sung vào lý luận mà không đi theo lối mòn khô cứng của lý luận, nhất là trong công tác cán bộ. Trong việc sử dụng cán bộ, Lê-nin đề ra công thức: “Chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên”. Bác bổ sung thêm là: “Chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên, đãi ngộ xứng đáng”. Trong việc đãi ngộ, trả công cho người lao động, Lê-nin nói: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”, Bác bổ sung thêm: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, trừ người già và trẻ em”.

Rõ ràng, trong phong cách học tập, làm việc của Bác rất sâu sắc, rất thấu lý đạt tình, đạt nghĩa, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Đó chính là tầm cao tư tưởng, với tư duy biện chứng sâu sắc, với tấm lòng bao dung, độ lượng và tình yêu bao la Bác dành cho dân tộc Việt Nam.